Từng là những nhân vật chính trong loạt bài "VĐV bi sắt TP HCM kêu cứu" được đăng tải trên Báo Người Lao Động năm 2014, "cô bé bán phá lấu giành chức vô địch thế giới" Phan Thị Thúy Diễm đến nay vẫn chưa quên cảm giác cay đắng khi phải cùng với 4 đồng đội có thâm niên cống hiến trên dưới chục năm nộp đơn xin rời đội tuyển TP HCM, chỉ một tháng trước Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Trước đó không lâu, một VĐV kỳ cựu khác là Phạm Thanh Phong cũng đã nộp đơn xin nghỉ vì lý do riêng, mà không nói ra ai cũng biết anh bị phân biệt đối xử từ bộ môn.
Kết quả tại đại hội năm ấy, bi sắt TP HCM không giành nổi một HCV nào ở 11 nội dung thi đấu dù vẫn luôn tự hào là cái nôi của bi sắt toàn quốc. Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê sau đó đã chỉ đạo tiếp nhận trở lại nhóm VĐV này nhưng rồi họ lại phải khăn gói ra đi vào giữa năm 2017.
Thúy Diễm đang đầu quân cho bi sắt Bình Dương, địa phương chăm lo tốt cho các VĐV
Hai chị em Thanh Phúc và Thành Ngưng đang hưởng chế độ đãi ngộ tốt ở TP Đà Nẵng
"Không nhắc chuyện cũ vì đã "quá cũ" rồi. Giờ thì tôi và đồng đội đã ổn định cuộc sống nhờ sự cưu mang của Bình Dương. Thu nhập hằng tháng có thể thấp hơn một chút so với TP HCM bên cạnh việc chưa có chế độ khen thưởng "hậu thành tích" nhưng nơi đây luôn dang rộng vòng tay với chúng tôi. Bình Dương đang muốn nhân rộng phong trào tập luyện bi sắt nên rất trân trọng những người có kinh nghiệm. Chúng tôi được cử theo học các lớp bồi dưỡng chuyên môn cũng như những vấn đề liên quan thể thao. Ai có nhu cầu học văn hóa hay thuê mua nhà ở xã hội giá rẻ hoặc trả góp đều có thể đề đạt ý kiến lên lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh xem xét, hỗ trợ" - Thúy Diễm kể trong sự đồng tình của Ánh Hồng và em trai Phan Thế An. Họ là những bi thủ từng thành danh trong màu áo TP HCM giờ đang tìm lại chính mình từ mảnh đất Bình Dương hiếu khách.
Trong khi đó, An Giang từ giai đoạn 2012-2013 đã ban hành quy định "hỗ trợ thôi việc" dành cho VĐV địa phương này khi giải nghệ, cách nói vui về chủ trương khen thưởng thành tích thi đấu quốc tế cho các VĐV đẳng cấp. Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều thời điểm bấy giờ, 2 HCV SEA Games sẽ được "quy đổi" ngang 1 HCV châu Á và 2 HCV châu Á được "chấm" ngang một HCV thế giới… Khi VĐV quyết định nghỉ, tỉnh sẽ căn cứ vào tổng số huy chương để quy ra tiền thưởng nhưng mức tối đa chỉ lên đến 300 triệu đồng. Đến nay mới chỉ có lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách được "ưu tiên" nhận đủ số 300 triệu đồng như trên sau khi anh rời TP HCM để quay về đầu quân cho quê cũ An Giang. Cựu "nữ hoàng điền kinh" Vũ Thị Hương có một thời gian ngắn đầu quân cho địa phương này cũng kịp nhận một khoản trợ cấp xứng đáng trước khi chính thức giải nghệ sau ASIAD 2014.
Đà Nẵng cũng đang dần trở thành miền đất hứa mới của giới thể thao… Từ năm 2013, đề án Nghị quyết về chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao đã được xây dựng và áp dụng vào thực tế 2 năm sau đó. Không "thưởng một cục", cũng chẳng đặc cách cho VĐV vào biên chế nhà nước hoặc cấp đất như vài địa phương khác đã và đang làm, Đà Nẵng chú trọng vào tính bền vững, những vấn đề căn cơ nhất như chế độ lương, thưởng, nhà ở, việc làm sau khi giải nghệ…
Đối tượng của đề án là những VĐV có nhiều thành tích xuất sắc và kinh phí thực hiện được cấp từ ngân sách TP. Các VĐV được hỗ trợ 100% hoặc 50% học phí để học nghề theo khả năng, kể cả học chuyên môn để trở thành HLV, giáo viên thể chất…, được mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi hoặc miễn phí tiền thuê nhà trong 10 năm, 5 năm. Nhà vô địch đi bộ 20 km nữ tại SEA Games 28 Nguyễn Thị Thanh Phúc hiện cư ngụ ở một khu căn hộ cho thuê theo đề án này mà hàng xóm của cô là rất đông VĐV có đẳng cấp của TP Đà Nẵng.
Không chỉ bi sắt, Bình Dương còn tiếp nhận nhân tài của nhiều môn thể thao khác, mà Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Trọng Hoàng (bóng đá), Lâm Văn Cuôl, Sê Pha (thể hình), cờ tướng (Uông Dương Bắc, Lại Lý Huynh)... là những ví dụ cụ thể về câu chuyện “đất lành chim đậu”.
Bình luận (0)