Ngay từ năm 2007, TP HCM đã đi đầu cả nước trong việc ban hành và thực hiện chế độ trợ cấp đẳng cấp dành cho VĐV đạt thành tích trong thi đấu, từ 50.000 đồng cho VĐV cấp 1 không có huy chương đến 220.000 đồng cho VĐV kiện tướng có huy chương quốc tế. Đến năm 2009, các mức trợ cấp này được tăng đồng loạt từ 250.000 đồng cho đến 1.100.000 đồng.
Bên cạnh đó, năm 2009, TP HCM cũng ban hành Quyết định 74, quy định việc trợ cấp ưu đãi cho VĐV tài năng, tức những VĐV đạt thành tích quốc tế, thời gian hưởng tính từ giải đấu đó đến giải được tổ chức lần tiếp theo, chu kỳ có thể là 1 năm, 2 năm hoặc 4 năm. Thật khó tưởng tượng ở thời điểm cách đây gần chục năm, VĐV TP HCM giành HCV SEA Games hoặc thế giới đã có thêm khoản thu nhập hằng tháng từ 5 triệu đến 15 triệu đồng, bên cạnh các chế độ tiền ăn, tiền công lao động vẫn được bảo đảm theo quy định chung. Làm phép tính cụ thể, trường hợp 2 tuyển thủ Lê Thanh Tùng (TDDC) và Lê Tú Chinh (điền kinh) cùng giành 3 HCV tại SEA Games 2017, ngoài các mức thưởng nóng theo quy định của đoàn thể thao Việt Nam, cả 2 còn được nhận tiền thưởng huy chương bằng 115% mức thưởng của trung ương (52 triệu x 3) đồng thời hằng tháng còn nhận thêm trợ cấp thành tích quốc tế 5 triệu đồng/HCV, lãnh đều đặn trong 2 năm cho đến kỳ SEA Games 30-2019.
Lê Thanh Tùng (TDDC) là một trong các nhà vô địch SEA Games 2017 đang hưởng trợ cấp thành tích quốc tế 5 triệu đồng/HCV, lãnh đều đặn cho đến SEA Games 2019. Ảnh: ĐĂNG HẢI
TP HCM cũng thuộc số ít địa phương duy trì chế độ tiền ăn cho các VĐV được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, bảo đảm thu nhập hằng tháng tính bao gồm cả chế độ ở tuyển quốc gia sẽ trên 6 triệu đồng. Tất nhiên, nếu là VĐV có thành tích, phần thu nhập này không dưới 10 triệu đồng. Theo Trưởng Phòng Quản lý thể thao Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Nguyễn Nam Nhân, nếu Chính phủ thông qua Nghị định về lương cho HLV và VĐV, đấy sẽ là cơ sở để ngành TDTT trình HĐND TP điều chỉnh chế độ vào cuối năm nay.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2015, HĐND TP khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về chính sách đãi ngộ đối với các VĐV, HLV địa phương mà khi đưa vào thực hiện đã khiến giới thể thao cả nước phải nể phục. Một VĐV có HCV Olympic sẽ nhận ngay khoản phụ cấp hằng tháng gấp 25 lần mức lương cơ bản, ước khoảng trên 30 triệu đồng. Tương tự, HCV Á vận hội được trợ cấp khoảng 26 triệu đồng; HCV SEA Games được nhận khoảng 15 triệu đồng/tháng, tất cả đều theo chu kỳ của giải đấu, từ 1 đến 4 năm.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn hỗ trợ các VĐV tài năng được mua nhà ở xã hội, thuê nhà miễn phí từ 5-10 năm, được bố trí việc làm sau khi giải nghệ… Địa phương này, cũng như TP HCM, không cắt tiền ăn của VĐV khi họ được lên tuyển, đồng thời duy trì mức hỗ trợ thành tích như trên, tạo động lực cho VĐV phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ với quốc gia.
Không phải là một trung tâm TDTT hàng đầu như Đà Nẵng hay TP HCM nhưng từ năm 2012, An Giang đã ban hành quy định trao thưởng "trọn gói" nếu VĐV địa phương này giải nghệ, căn cứ theo thành tích thi đấu và mức "hỗ trợ thôi việc" tối đa lên đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, An Giang cũng có khoản hỗ trợ thành tích quốc tế, cộng gộp tiền công lao động hằng tháng có thể được nhận từ 4-5 triệu đồng, tính theo chu kỳ giải đấu.
Bươn chải để đủ trang trải cuộc sống
Hà Nội từ 2 năm nay cũng treo thưởng thành tích huy chương trên 100% so với mức thưởng của trung ương nhưng lại không duy trì hỗ trợ tiền ăn khi VĐV được lên tuyển quốc gia. Ngành thể thao thủ đô cũng chưa có chế độ "hậu thành tích" nên VĐV đẳng cấp ở đây vừa tập luyện vừa lo ngay ngáy bởi chỉ cần dính chấn thương hoặc chẳng may không đạt thành tích cao, coi như hằng tháng chỉ trông chờ khoản thu nhập ít ỏi từ tiền công lao động độ vài triệu đồng. Đó là lý do rất nhiều VĐV tên tuổi, kể cả có quân số thường xuyên ở đội tuyển quốc gia, cũng phải bươn chải mua bán trên mạng, kinh doanh thêm bên ngoài để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Bình luận (0)