Chưa đầy 24 giờ sau khi có mặt tại TP Nha Trang, tuyển TP HCM tiếp nhận văn bản Thông báo 1672 của Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT do ông vụ trưởng Ngô Ích Quân ký ngày 3-12-2020 và gửi trực tiếp đến Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Nội dung văn bản đề cập đến một số ca dương tính với virus Covid-19 xuất hiện tại TP HCM và đã lan ra cộng đồng, theo đó, khuyến cáo ngành thể thao TP tạm dừng tổ chức các giải trong hệ thống quốc gia, đồng thời không cử các đội tuyển TP HCM tham dự các giải quốc gia tổ chức trong tháng 12-2020.
Như sét đánh ngang tai, tuyển bóng chuyền nam TP HCM "nửa cười, nửa mếu" với khả năng mất quyền thi đấu. Trưởng đoàn Phạm Ngọc Sơn cho biết đội bóng chuyền nam TP HCM đã tập huấn tại Cần Thơ từ ngày 1-11 đến 2-12, di chuyển về TP HCM trong ngày 2-12 để dự lễ tiễn do Sở Văn hóa - Thể thao TP tổ chức rồi ra thẳng sân bay Tân Sơn Nhất trực chỉ Khánh Hòa.
Tuyển bóng chuyền nam TP HCM sẽ thi đấu bảo vệ ngôi vị số 1 Ảnh: THƯƠNG DUNG
Câu chuyện "nóng" lên ngay lập tức bởi tuyển TP HCM là nhà vô địch mùa giải 2019, có trách nhiệm tham dự giải năm nay để bảo vệ thành tích đã giành được. Nếu không được thi đấu, thiệt thòi xem ra là quá lớn với thầy trò HLV Bùi Huy Châm cũng như với phong trào thể thao TP HCM. Khi xuất hiện một số ca lây nhiễm Covid-19 tại TP HCM, đội bóng còn tập huấn tại Cần Thơ rồi di chuyển ra thẳng TP Nha Trang, hoàn toàn không "vướng" bất cứ điều kiện lây nhiễm nào trong những ngày qua.
Nói rõ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Mai Bá Hùng khẳng định: "Ngành thể thao TP, về nguyên tắc, luôn chấp hành các chủ trương của Tổng cục TDTT nhưng thực tế là đội bóng chuyền nam đã có sự chuẩn bị và được cử tham gia vòng 2 giải vô địch quốc gia từ trước, chưa kể đội đã lên đường trước khi có văn bản của Tổng cục TDTT nên vẫn có quyền được tham gia thi đấu bình thường theo lịch đã công bố".
Có lẽ lường trước tỉ lệ thành công của giải đấu sẽ sụt giảm đáng kể nếu đương kim vô địch vắng mặt, ông Đào Xuân Chung - Trưởng Bộ môn Bóng chuyền Tổng cục TDTT - đã phát biểu đầy cân nhắc: "Công tác chuẩn bị cho giải đã hoàn tất, kể cả việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 nên việc đội bóng chuyền nam TP HCM tham dự giải đấu vẫn được chấp thuận". Không chủ quan với tình hình, sau khi biết được phép tham dự giải, toàn đội bóng chuyền nam TP HCM đã đến Viện Pasteur Nha Trang để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và kết quả hết sức khả quan khi mọi thành viên đều có kết quả âm tính.
Từ toàn bộ câu chuyện, người ta không thể không nghi ngờ tính minh bạch của Thông báo 1672, trong đó bàng bạc ý định "loại thẳng tay" tuyển TP HCM ngay khi bóng chưa lăn. Không riêng bóng chuyền, ngay cả LĐBĐ Việt Nam trong ngày 3-12 cũng đã ra thông báo điều chỉnh địa điểm thi đấu 3 lượt trận cuối Giải Bóng đá nữ Vô địch quốc gia 2020 từ sân Thống Nhất (TP HCM) sang sân Bình Dương. Hệ quả trực tiếp là đội nữ TP HCM mất luôn lợi thế sân nhà ở trận đấu then chốt, mang tính quyết định đến cuộc đua vô địch với đội Hà Nội I Watabe.
Câu hỏi được đặt ra là Tổng cục TDTT, cụ thể là Vụ Thể thao thành tích cao II, có quá nhạy cảm với tình hình để rồi "cầm đèn chạy trước ôtô"? Khi mà Chính phủ và lãnh đạo TP HCM chưa có chỉ đạo tạm dừng các hoạt động cộng đồng trên địa bàn, vụ này không cần tham khảo ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan mà đã ban hành văn bản "kỳ lạ" khiến người hâm mộ thể thao TP HCM bức xúc mấy ngày qua.
Chính Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng chống dịch Covid-19, ở mục 8 điều 3 cũng đã nêu rõ: "Trường hợp xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao và được khoanh vùng hợp lý, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh".
Bình luận (0)