Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đánh giá mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là mức tăng hài hòa, chia sẻ khó khăn của NLĐ và chủ doanh nghiệp (DN). Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng mức tăng này cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói đây cũng là sự cảm thông, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và NLĐ trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Trước thềm phiên họp này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đã gửi báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện LTT vùng đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo cho thấy có sự chênh lệch giữa tiền LTT và tiền lương thực tế của NLĐ. Trong giai đoạn 2015 - 2022, Việt Nam điều chỉnh LTT từ 119 USD tháng 12-2015 lên 168 USD vào tháng 12-2022. Lần gần nhất LTT được điều chỉnh từ ngày 1-7-2022 với mức trung bình 6% sau 2,5 năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Điều đáng chú ý là lạm phát tăng khiến giá trị thật của LTT không tăng nhiều. Theo ILO, trong thời kỳ 2015 - 2019, LTT danh nghĩa tăng 42,7%, song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 - 2022, LTT điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.
Do đó, thông tin về tăng LTT rất được đông đảo lao động xã hội quan tâm, bởi việc làm, tiền lương luôn là những vấn đề thiết thân với NLĐ, gắn với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Việc NLĐ mong chờ được tăng LTT vùng là mong ước chính đáng khi thời giá ngày một tăng, chi tiêu càng phát sinh nhiều hơn khi NLĐ có gia đình, nhiều khoản phải lo toan, đắp đổi...
Những năm gần đây, sau những ảnh hưởng lớn lao từ đại dịch lên nền kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều DN lâm vào khó khăn, hàng vạn NLĐ mất việc, thiếu việc, phải làm việc cầm chừng, thu nhập giảm sút nghiêm trọng thì cả người sử dụng lao động và NLĐ đã có sự cảm thông, thấu hiểu, đồng cam cộng khổ. NLĐ hiểu rằng phải góp sức cho DN trụ lại, DN sống được thì mình mới được bảo đảm việc làm, thu nhập. Ngược lại, DN cũng rất cần sự gắn bó của đội ngũ lao động, họ là nguồn lực chính tạo dựng nên DN, đưa DN phát triển. Có nhiều DN làm ăn khó khăn hơn trước rất nhiều song NLĐ vẫn một lòng gắn bó, chấp nhận giảm việc, giảm lương để cùng DN vượt khó với niềm tin DN sẽ hồi phục sản xuất - kinh doanh, cuộc sống NLĐ và gia đình dễ thở hơn…
Đó là những biến chuyển tích cực trong quan hệ lao động, cần được giữ gìn để tạo ra những cơ hội, thành tựu mới cho sự phát triển DN cũng như đời sống, việc làm của NLĐ. Việc tăng LTT vùng năm 2024 từ đó cũng được nhìn nhận với tâm thế thấu hiểu, cách nhìn của hai phía cũng bớt dần sự khác biệt mà thêm cảm thông, để hướng đến cái chung là sự tồn tại, đi lên của DN và lớn lao hơn là sự phát triển của đất nước.
Bình luận (0)