Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên. Trong khi đó, cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Như ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu khoảng 1.000 vị trí việc làm trong ngành giáo dục, trong đó, riêng giáo viên thiếu gần 800 người. Hay ở tỉnh Quảng Bình, trước thực trạng này, đã bổ sung 914 chỉ tiêu giảng dạy hợp đồng nhưng vẫn còn thiếu gần 400 giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Phải nói rằng Đảng, Nhà nước đã có những chính sách tốt thu hút giáo viên, giải quyết bài toán về thiếu giáo viên. Tại Quyết định số 72-QĐ/TW ban hành ngày 18-7-222 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Dù vậy, hiện nay, khá nhiều tỉnh, thành vẫn đang thiếu giáo viên. Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính là do các địa phương chưa chủ động hoàn toàn trong việc tuyển dụng giáo viên.
Bài toán tuyển dụng giáo viên không đơn giản bằng việc giao biên chế hằng năm của ngành, nhất là của ngành giáo dục địa phương. Thừa - thiếu giáo viên phải được kiểm soát bằng những thông tin như dự báo số học sinh sẽ đến trường và số giáo viên cần thiết để giảng dạy cho mỗi cấp học, bậc học cho thời gian tới với dự báo tối thiểu là 5 năm. Thiếu dự báo chính xác sẽ không thể yêu cầu chính quyền tỉnh định biên biên chế cho ngành.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng hiện nay vẫn dựa trên định biên về số giáo viên biên chế và do các Sở Nội vụ căn cứ vào nhu cầu giáo viên do Sở GD-ĐT đề xuất và khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng (bằng chỉ tiêu tuyển dụng được giao). Ngành giáo dục vẫn chưa được "toàn quyền" trong việc tuyển dụng giáo viên (cả biên chế và hợp đồng) nên khó chủ động được việc tuyển dụng đủ giáo viên theo nhu cầu của từng nhà trường.
Đào tạo giáo viên không thể ngày một ngày hai, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các ngành này cũng cần sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD-ĐT trong việc giao chỉ tiêu các ngành cho các trường sư phạm để có đủ khả năng cung cấp giáo viên các môn học này trong phạm vi cả nước. Cũng cần phải tính đến việc tuyển dụng giáo viên từ các nguồn đào tạo cử nhân, kỹ sư (không phải từ các cơ sở đào tạo giáo viên) bằng việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trước, trong và sau tuyển dụng đối với những nơi thiếu giáo viên.
Và vấn đề mấu chốt cần giải quyết đó là chế độ chính sách. Nhiều giáo viên mới ra trường hiện chỉ có thu nhập 6-7 triệu/tháng. Với mức lương này thì chưa thể khuyến khích nhiều người chọn nghề này, cũng như chưa tạo động lực cho nhiều người yêu nghề và cống hiến.
Bình luận (0)