Lực lượng đa quốc gia này đã được các nhà lãnh đạo NATO đồng ý thành lập hồi tháng 9-2014 để có thể điều động nhằm tăng viện cho các nước thành viên cảm thấy bị nước Nga đe dọa.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá lực lượng mới này cũng như các hoạt động nhằm tái khởi động các năng lực của liên minh này là đợt củng cố lớn nhất sự phòng thủ tập thể của NATO kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Đồng thời, ông Stoltenberg tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông lúc này là thực hiện kế hoạch trên cách đầy đủ và kịp thời.
Ông Stoltenberg cho biết trong năm 2015, các nước Đức, Na Uy và Hà Lan sẽ đóng góp mấy ngàn quân vào lực lượng này.
Ngoài ra, sẽ đặt một số cơ sở chỉ huy của lực lượng mới này ở Ba Lan, nước thành viên quan trọng nhất của NATO ở khối các nước thuộc Liên Xô trước đây.
“Thách thức lớn nhất của NATO trong năm 2015 là tập trung và thúc đẩy sứ mệnh then chốt của mình - bảo đảm an ninh của các thành viên và sự ổn định ở châu Âu” - Michael Brown, trưởng khoa quốc tế Trường Đại học George Washington, thừa nhận.
Ông Marcin Terlikowski, Giám đốc dự án an ninh châu Âu và kinh tế quốc phòng tại Viện Quốc tế Ba Lan ở Warsaw, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của NATO là quyết định về hình thức của lực lượng này, nơi đặt bản doanh và nó sẽ được chỉ huy ra sao. Ngoài ra, đó còn là chuyện kinh phí nữa”.
Ông Terlikowski nhận định: “Nước Nga phải thấy rằng NATO quyết tâm bảo vệ các giá trị của mình. Giá trị chủ yếu của NATO là sự đoàn kết: Một thành viên bị tấn công, toàn khối sẽ đáp trả, trong đó có cả Mỹ”.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ tài trợ cho lực lượng này nhưng nhiều người hy vọng Mỹ sẽ đóng góp phần lớn trong khi một số khác hy vọng vào Đức, thành viên NATO giàu có nhất và đông dân nhất ở châu Âu.
Tuy nhiên, điều quan trọng đối với sự kết dính của NATO là càng nhiều thành viên đóng góp vào kinh phí hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh càng tốt, nếu không – kế hoạch này sẽ mất đi tính pháp lý của nó.
Trong một diễn biến khác, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng Liên minh châu Âu có thể kéo dài lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Pháp và Ý nằm trong số các quốc gia sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga trong khi Ba Lan, Anh và các nước khu vực Baltic vẫn không thay đổi quan điểm.
Bình luận (0)