Đại dịch đang phá hủy chuỗi cung ứng thực phẩm, làm tê liệt nền kinh tế và suy giảm sức mua của người tiêu dùng. Theo ước tính của Tổ chức Từ thiện Oxfam (Anh), đến cuối năm nay, khoảng 12.000 người có thể chết mỗi ngày vì nạn đói liên quan đến Covid-19, nhiều hơn số người thiệt mạng vì nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Hãng tin Bloomberg mô tả những hàng dài người rồng rắn nhiều giờ liền bên ngoài một ngân hàng thực phẩm ở khu Queens, TP New York - Mỹ để chờ nhận hàng hỗ trợ. Còn tại Uganda, chuối và cà chua chất đống tại các khu chợ ngoài trời nhưng dù đã giảm giá gần như cho, người dân mất việc vẫn không mua nổi.
Bà Mariana Chilton, Giám đốc Trung tâm Cộng đồng không nạn đói tại Trường ĐH Drexel (Mỹ), nhận định: "Đến năm 2120, chúng ta vẫn sẽ nói về cuộc khủng hoảng này".
Cùng với kinh tế bất ổn, các biện pháp phong tỏa và chuỗi cung ứng bị phá vỡ khiến cho việc phân phối thực phẩm đứt gãy. Theo Bloomberg, các chuyến hàng gồm gạo và thịt mắc kẹt tại các bến cảng ở Philippines, Trung Quốc, Nigeria… Trong khi đó, ở Mỹ, thói quen ăn uống tại nhà hàng bị thay đổi đột ngột khiến nông dân nhiều nơi đổ sữa, bỏ trứng vì không dễ tìm ra nơi khác để bán sản phẩm. Chưa hết, chi phí và hậu cần khó khăn gây trở ngại cho việc chuyển nguồn thực phẩm từ nơi dư thừa sang khu vực thiếu thốn.
Các tình nguyện viên chuẩn bị thực phẩm để phân phát cho các gia đình bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 ở thủ đô Jakarta – Indonesia đầu tháng 8 Ảnh: REUTERS
Các dự báo ban đầu của Liên Hiệp Quốc cho thấy trong trường hợp tồi tệ nhất, khoảng 1/10 dân số thế giới sẽ thiếu ăn trong năm nay.
Theo Bloomberg, tác động không chỉ là nạn đói khi hàng triệu người có nguy cơ đối mặt các hình thức mất an ninh lương thực khác, bao gồm không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng và béo phì.
Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo nạn đói sẽ nghiêm trọng hơn trong thập kỷ tới so với dự báo trước đại dịch. Đến năm 2030, số người suy dinh dưỡng có thể lên tới 909 triệu người, nhiều hơn so với con số 841 triệu người được dự báo trước đại dịch Covid-19.
Suy dinh dưỡng gia tăng cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, hạn chế khả năng vận động và làm suy giảm chức năng của não. Các vấn đề về phát triển thể chất và nhận thức ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể cản trở cơ hội tiếp tục đến trường hoặc kiếm việc làm, từ đó tái lập chu kỳ nghèo đói.
Bình luận (0)