"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác" - cảnh sát Berlin cho biết trên Twitter và nói thêm rằng những người tham gia đã không tuân thủ biện pháp an toàn phòng chống dịch. Cảnh sát được triển khai tại khu vực biểu tình đã sử dụng loa để yêu cầu người biểu tình nhanh chóng giải tán.
Cuộc biểu tình này thu hút khoảng 38.000 người trên khắp Berlin, ước tính khoảng 18.000 người tham gia các cuộc biểu tình ở khu vực trung tâm Berlin. Những người biểu tình đang giận dữ vì các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 của chính quyền.
Cảnh sát thủ đô Berlin - Đức bắt 300 người sau khi những người biểu tình không tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang
Truyền thông Đức và châu Âu ghi nhận một số biểu hiện quá khích như ném đá và chai nước vào cảnh sát. Đức đã triển khai khoảng 3.000 cảnh sát và nhiều phương tiện như vòi rồng, máy bay trực thăng để ứng phó. Ít nhất 7 cảnh sát bị thương trong cuộc biểu tình hôm 29-8.
Cảnh sát đã chuẩn bị cho tình trạng bạo lực có thể xảy ra khi những người biểu tình kêu gọi tự trang bị vũ khí và tụ tập ở Berlin trên mạng xã hội.
Cảnh sát Đức bắt giữ một người biểu tình trong một cuộc biểu tình chống giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở Berlin vì người biểu tình không tuân thủ biện pháp phòng dịch. Ảnh: Reuters
Đến nay, Đức đã kiểm soát cuộc khủng hoảng dịch bệnh tốt hơn nhiều các nước châu Âu khác, với các xét nghiệm nghiêm ngặt giúp hạn chế ca nhiễm và tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc Covid-19 tại nước này đã tăng lên, mặc dù hiện nay Đức không có biểu hiện về làn sóng lây nhiễm từ châu Âu.
Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, các ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng nhanh trong những tuần gần đây và Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân cảnh giác.
Ước tính khoảng 18.000 người tham gia các cuộc biểu tình ở khu vực trung tâm Berlin. Ảnh: BBC
Tương tự diễn biến ở Đức, khoảng 200 người biểu tình phản đối đeo khẩu trang ở Paris – Pháp đã tụ họp phản đối với các khẩu hiệu như "nói không với chế độ độc tài về sức khỏe", "hãy để trẻ em của chúng ta thở"...
Tại London - Anh, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập tại Quảng trường Trafalgar gọi virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 là trò lừa bịp và yêu cầu chấm dứt các hạn chế, cũng như không đồng ý với việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hàng loạt.
Ông Piers Corbyn, anh trai của cựu lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn, nói: "Các anh có tin rằng virus là trò lừa bịp hay không, hay bất cứ chuyện gì xảy ra vào lúc này có ít hơn hoặc ngang bằng với bệnh cúm thông thường hay không. Vì vậy chuyện phong tỏa và toàn bộ những gì liên quan hiện nay không thỏa đáng, bất kể xét tới mặt nào đi nữa".
Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập tại Quảng trường Trafalgar - Anh gọi virus corona là trò lừa bịp và yêu cầu chấm dứt các hạn chế Ảnh: EPA
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến sáng 30-8, thế giới ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 845.628 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19, tiếp đó là Brazil và Ấn Độ.
Mỹ và Brazil đều ghi nhận thêm trên 30.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ hiện là nước ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tăng nhanh nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận tới hơn 78.000 nhiễm mới và 944 ca tử vong.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ấn Độ vẫn quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước sức ép khôi phục nền kinh tế và hàng triệu người mất việc làm.
Đầu tuần này, Tây Ban Nha vượt qua Anh để trở thành nước có số ca nhiễm mới cao thứ 2 ở châu Âu, đứng sau Nga.
Không quân Tây Ban Nha đã dựng một bệnh viện dã chiến ở TP Zaragoza, thủ phủ của vùng Aragon, nơi có số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trong vài tuần qua. Dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ bị nhiễm Covid-19.
Bình luận (0)