Cũng như mọi nam thanh niên 21 tuổi, phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan, thường được gọi là kathoey, buộc phải tham dự “ngày tuyển quân” - tổ chức vào tháng 4 hằng năm - mặc dù họ không được xem là nam giới trên thực tế.
Bối rối và căng thẳng
Nam giới Thái Lan phải đăng ký nghĩa vụ quân sự trước khi tròn 18 tuổi. Khi được 21 tuổi, họ phải tham dự “ngày tuyển quân”. Vào ngày này, những người tham dự rút được thẻ đỏ sẽ gia nhập quân đội trong 2 năm trong khi thẻ màu đen có nghĩa họ được miễn. Patra Wirunthanakij, còn gọi là Nadia, cựu hoa hậu “Nữ hoàng Mimosa Thái Lan” (cuộc thi dành riêng cho kathoey), cũng vừa mới trở thành tân binh.
Năm nay, khoảng 100.000 thanh niên trên 21 tuổi có mặt tại sự kiện này. Các kathoey không được miễn trừ bởi vì luật pháp Thái Lan không cho phép công dân thay đổi giới tính ghi trên giấy tờ cá nhân bất chấp một đạo luật hồi năm 2015 cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Do bị bắt buộc như vậy, nhiều kathoey đã rơi vào tình trạng bối rối và căng thẳng trong khi cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) lên tiếng phản đối mạnh mẽ, theo trang Khaosodenglish.
Không ít kathoey than phiền mình bị đối xử như những công dân hạng hai, đồng thời nghĩa vụ quân sự có thể là một cơn ác mộng khi họ 21 tuổi. Chưa hết, họ thường bị lạm dụng trong lúc đăng ký nghĩa vụ quân sự. “Hầu hết đều căng thẳng và lo rằng họ sẽ bị bắt cởi quần áo, bị nhìn chằm chằm hoặc bị chế nhạo trước mặt mọi người. Thậm chí một số người căng thẳng đến mức muốn tự tử để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự” - bà Jetsada Taesombat, Giám đốc điều hành Liên minh người chuyển giới Thái Lan vì nhân quyền (TGA), nhận định với Reuters.
Phân biệt đối xử
Sau cuộc đấu tranh kéo dài vài năm, Tòa án Hành chính Thái Lan đã ra phán quyết giới tính sinh học không nhất thiết phải phù hợp với giới của một người nào đó nên kathoey có thể được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, đối tượng này phải xuất trình giấy miễn vào ngày tuyển quân để chứng minh họ không đủ tiêu chuẩn tòng quân. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể có được thứ giấy này trước ngày tuyển quân.
Thái Lan vẫn thường được xem là thiên đường của người chuyển giới trên thế giới khi là nơi thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật điều chỉnh giới tính hơn bất kỳ nước nào khác. Tuy vậy, tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử lan tràn đối với cộng đồng LGBT không được xã hội quan tâm cho đến tận mấy năm gần đây. Tại cuộc họp trước ngày tuyển quân năm nay giữa chính phủ, giới truyền thông và cộng đồng LGBT, người ta nhận định quá trình tuyển mộ tân binh đối với người chuyển giới thường căng thẳng khi một số tờ báo biến sự tham dự của họ thành trò đùa.
Cách đây 1 năm, trong số 72 bài báo viết bằng tiếng Thái về việc tuyển quân hằng năm, có 69 bài phản ánh tình trạng những kathoey trẻ trải qua cảm giác căng thẳng và bị hạ thấp giá trị. “Ở một số khu vực vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm nhân quyền vì các sĩ quan quân đội không hiểu các kathoey. Chẳng hạn, các sĩ quan đã chế nhạo và khiến họ lúng lúng, đòi xem ngực họ hoặc hỏi họ có trải qua phẫu thuật thay đổi giới tính hay không” - ông Ronnabhumi Sammakkarom, chủ tịch TGA, nhận định.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, TGA đã phát hành cẩm nang “Khi anh gặp kathoey”, bằng tiếng Anh và tiếng Thái, nhằm hướng dẫn các sĩ quan quân đội làm công tác tuyển tân binh về cách đối xử thích hợp người chuyển giới. Cẩm nang đòi hỏi phải có những khoảng không gian kín đáo, riêng tư để kiểm tra sức khỏe, không được gọi họ bằng “anh” hoặc nêu những câu hỏi không thích hợp về giới tính của họ.
Bình luận (0)