Không lâu sau khi lệnh sơ tán được công bố trên truyền hình, ông Fumio Okubo chọn lấy bộ quần áo tươm tất nhất và thưởng thức bữa tối ưa thích do con dâu nấu. Trước khi bình minh ló dạng, cụ ông 102 tuổi này treo cổ tự tử. Không có máu me lênh láng với những nghi thức truyền thống nhưng hành động của ông Okubo gợi nhớ đến hành động tự sát của một samurai thời xưa. Cả cuộc đời ông Okubo gắn bó với cánh đồng lúa và cây tuyết tùng đến nỗi ông không hề có ý nghĩ sẽ chết ở nơi nào khác ngoài ngôi làng xinh đẹp của mình.
Người con dâu cầm di ảnh của ông Fumio Okubo tại làng Iitate, tỉnh Fukushima Ảnh: REUTERS
Điều không thể tưởng tượng đã xảy ra. Nhà máy điện hạt nhân vốn là niềm tự hào của Fukushima gây ra thảm họa chưa có hồi kết. Hai năm rưỡi sau, Fukushima trông tồi tệ hơn bao giờ hết. Trước các mối đe dọa phóng xạ, chính phủ ra lệnh sơ tán. Hơn 300.000 người đã ra đi dù rất sốc. Chỉ một số ít người, trong đó có ông Okubo, cảm nhận thảm cảnh sẽ không mau chóng chấm dứt. Dẫu biết thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương nhưng “vốn quý hơn vàng” ấy của ông Okubo lại gần cạn kiệt.
Đối với nhiều người, hai năm rưỡi không thể chôn vùi quá khứ đau buồn và bước tiếp. Những người may mắn thoát nạn lại sống trong tình trạng lấp lửng không tương lai. Đa số không còn cơ hội quay về nhà. Bên trong những bức tường dựng tạm, không khí ảm đạm phủ trùm. Hiroshi Masakura, chủ đất đến từ thị trấn Tomioka, đang sống tại trung tâm sơ tán ở thành phố Iwaki. Với gương mặt cứng cỏi và giọng nói nhẹ nhàng, người đàn ông tầm 60 tuổi mời phóng viên hãng tin Reuters tạt qua căn nhà tạm để gặp vợ ông. Thế nhưng, những gì nhà báo nhìn thấy là bức chân dung do chính ông Masakura họa.
Những mảnh đời bị quên lãng
Ban đầu, gia đình ông Masakura di chuyển về phía Bắc Tomioka, trải qua hàng tháng trời trong một phòng tập thể dục với rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Masakura nói với nhà báo: “Chúng tôi đều cố cầm cự. Chúng tôi ăn cùng một thứ thức ăn, ở kề bên nhau. Những người như anh và thậm chí cả một số nhân vật nổi tiếng đến thăm chúng tôi”. Sau đó, gia đình ông chuyển đến một khu nhà ở vùng ngoại ô của Iwaki. Từ lúc sống ở căn hộ mới, vợ ông Masakura bị trầm cảm. Ba tháng sau, bà bị ốm và phải nhập viện. Bốn tháng tiếp theo, bà chết; còn ông Masakura hoàn toàn suy sụp. Lúc nào, ông cũng quẩn quanh với ý nghĩ trầm cảm đã giết dần giết mòn người vợ.
Giữa các bức tường trống của ngôi nhà tạm là những hình ảnh, bức vẽ và bàn thờ người vợ quá cố. Không có kỷ vật nào của cuộc sống trước thảm họa. Bất giác, ông Masakura hỏi nhà báo xem liệu người này có muốn nghe bài hát do ông sáng tác hay không. Dẫu chỉ hiểu mỗi 2 từ “tạm biệt và Tomioka” nhưng nhà báo thấm thía nỗi buồn thương của tác giả.
Nhật báo Mainichi hồi đầu tháng 10 cho biết số người chết khi sơ tán ở tỉnh Fukushima đã vượt qua con số thiệt mạng do thảm họa kép. Khoảng 1.600 người chết do sức khỏe yếu dần khi sống tạm bợ hoặc vì các bệnh viện điều trị cho họ đã đóng cửa. Nhiều người tự tử. Không ít người lớn tuổi chẳng màng đến ảnh hưởng của bức xạ. Những gì họ quan tâm có lẽ là sống một mình, bị quên lãng và bị bỏ rơi như những trường hợp sau thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Ukraine hồi năm 1986.
Bình luận (0)