Theo tờ báo nói trên, Hải quân Ấn Độ tiếp nhận 4-5 tàu chiến/năm vào lực lượng của mình. Một sĩ quan hải quân cao cấp Ấn Độ cho biết hiện có khoảng 48 tàu chiến được đóng trên khắp các nhà máy cả nước để bổ sung cho hạm đội 137 chiếc đang hoạt động, trong đó một số tàu chiến sẽ “về hưu” vào năm 2027.
Để đạt mục tiêu 200 tàu, New Delhi nhiều khả năng sẽ mua thêm tàu chiến nước ngoài. Trên thực tế, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thống kê được Ấn Độ là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới giai đoạn 2010-2014.
Trong khoảng thời gian này, Ấn Độ chiếm tới 15% các thương vụ nhập khẩu vũ khí quốc tế, so với 8% cách đó 5 năm. Số lượng vũ khí mua vào cũng tăng 140%.
Ngược lại, ngành công nghiệp vũ khí trong nước của Ấn Độ tiếp tục trì trệ, một phần bị kìm hãm bởi bộ máy hành hành chính quan liêu. Nếu mua vũ khí từ nước ngoài, Nga được xem là cái tên sáng giá vì là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. Trong khi đó, Mỹ là “ông lớn” thách thức danh hiệu của Nga những năm gần đây.
Kế hoạch trang bị 200 tàu chiến cho hải quân vào năm 2027 phản ánh mối quan tâm của Ấn Độ về sự gia tăng quân sự nhanh chóng của láng giềng Trung Quốc. Tạp chí The National Interest gần đây lưu ý New Delhi đang theo dõi sát động thái Bắc Kinh cho tàu ngầm hạt nhân lớp Shang tuần tra Ấn Độ Dương – khu vực Ấn Độ đang tìm cách thống trị.
Thêm một lý do nữa để New Delhi phải lo lắng, đó là giới chức quốc phòng Trung Quốc tự hào Bắc Kinh có thể phong tỏa hầu hết các cảng quan trọng của Ấn Độ chỉ bằng 6 chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế đầu tuần này, Đô đốc P. Murugesan tiết lộ Ấn Độ đã bắt tay xây dựng 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân bản địa để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn còn ở trên giấy tờ và dự án được cho là hoàn thành trong 15 năm tới.
Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nga về việc thuê 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân do Moscow chế tạo.
Bình luận (0)