Reuters dẫn một nguồn tin quốc phòng cho biết New Delhi ngỏ ý muốn sử dụng công nghệ thiết kế tàu sân bay của Washington để mở rộng khả năng hoạt động của tàu INS Vishal đang được hoàn thiện.
Đề xuất được đưa ra vào cuối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ để tham dự lễ diễu hành Ngày Cộng hòa 26-1, tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ sẵn sàng giúp Ấn Độ tăng cường năng lực hải quân.
Ông Ashton Carter, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng do Tổng thống Obama đề cử, cho hay ông rất quan tâm đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng, quân sự Mỹ - Ấn nếu được phê chuẩn cho vị trí này.
Theo nguồn tin Bộ Quốc phòng và hai phó đô đốc hải quân Ấn Độ, có khả năng Mỹ sẽ tham gia chế tạo tàu sân bay INS Vishal. Hiện tại, New Delhi muốn tàu sân bay của mình có thể phóng được máy bay lớn và nặng hơn. Trong khi đó, Mỹ đang sở hữu công nghệ Hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn này, đồng thời tỏ ra có lợi thế hơn công nghệ “trượt tuyết” trên tàu sân bay Nga.
Năm 2014, Ấn Độ mua một tàu sân bay cũ của Nga để chuẩn bị thay thế cho tàu sân bay của Anh, sắp ngưng hoạt động vào năm 2018. Các chuyên gia quân sự nhận định New Delhi đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow về thiết bị quốc phòng và trong trường hợp khả quan, New Delhi có thể đặt hàng máy bay dài hạn từ Washington.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng đưa ra tuyên bố chung, nói về “một nhóm hoạt động để chia sẻ công nghệ và thiết kế tàu sân bay” như một phần của thỏa thuận Sáng kiến Công nghệ và Thương mại Quốc phòng (DTTI) công bố năm 2012. Đây là thỏa thuận giúp Mỹ - Ấn phát triển các công nghệ quốc phòng then chốt.
Mặc dù tàu sân bay mới của Ấn Độ chưa thể đưa vào hoạt động trong vòng 10 năm tới nhưng sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ có thể giúp đối phó sự tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương của Trung Quốc thời gian qua.
Bình luận (0)