Khi đó, tổng thống Nga quay sang Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - đang ngồi cạnh ông trên sân khấu - và nói: "Tôi vừa chợt nghĩ đến, chúng ta hãy chốt lại một thỏa thuận hòa bình trước cuối năm nay, không cần điều kiện tiên quyết".
Phát biểu nhận được những tràng vỗ tay vang dội. Nó không chỉ vẽ ra triển vọng của một hiệp ước hòa bình sau 73 năm (kể từ khi Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Nhật vào tháng 8-1945) mà còn thể hiện cơ hội chấm dứt một tình thế mà cả Nga - Nhật đều xem là bất thường.
Tuy nhiên, đề nghị của ông Putin thực ra không mới mẻ, bởi Moscow lâu nay vẫn sẵn lòng ký hiệp ước với Tokyo. Nhưng phía Nhật muốn trước hết phải giải quyết xong tranh chấp lãnh thổ liên quan tới một quần đảo mà họ gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc (Nga gọi là Nam Kuril).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại TP Vladivostok hôm 12-9 Ảnh: REUTERS
Lời đề nghị của ông Putin vì thế không khác nào ép Nhật Bản từ bỏ mong muốn của mình. Tổng thống Nga biết chắc ông Abe không đời nào chấp thuận nhưng tại sao ông vẫn đề nghị? Là một chính trị gia cực kỳ quy củ kiêm chiến thuật gia tài tình, đề xuất hòa bình của ông Putin thực chất là bước đi được tính toán cẩn thận.
Trước hết, ông Putin biết chắc lời mình nói sẽ được báo chí thế giới đưa tin, tức sẽ thu hút thêm sự chú ý cho Diễn đàn Kinh tế phương Đông - sự kiện đã tổ chức 4 lần và được chính phủ Nga o bế để trở thành diễn đàn kinh tế, chính trị hàng đầu ở Đông Bắc Á.
Thứ hai, lời đề nghị có vẻ nhiệt tình của tổng thống Nga đẩy giới lãnh đạo Nhật vào thế khó và trong chừng mực nào đó khiến họ trở thành trở ngại của hiệp ước hòa bình. Ông Abe khi đó không phản hồi lập tức nhưng không lâu sau, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga công khai bác bỏ đề nghị của ông Putin và lặp lại quan điểm phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước.
Bình luận (0)