Nhóm Anh em Hồi giáo nói những người ủng hộ cựu tổng thống Ai Cập đã bị bắn gần bản doanh của vệ binh, nơi ông Morsi đang bị cầm giữ. Quân đội Ai Cập cho rằng "một nhóm khủng bố" đã tìm cách xông vào tòa nhà. Murad Ali thuộc Đảng Tự do và Công lý của Anh em Hồi giáo cho báo The Guardian biết súng đã nổ vào sáng sớm trong khi những người Hồi giáo tổ chức biểu tình ngồi bên ngoài các doanh trại của Vệ binh Cộng hòa.
Kênh tin tức Ai Cập của Al-Jazeera đã truyền đi hình ảnh có vẻ như là 5 người đàn ông bị giết trong bạo lực, trong khi các nhân viên y tế đang cố gắng cứu một người bất tỉnh tại một đơn vị y tế dã chiến dựng lên bên cạnh cuộc biểu tình ngồi gần đó. Xe cứu thương đi lại dồn dập.
Tổng thống lâm thời Adli Mansour vẫn chưa mời được Anh em Hồi giáo hợp tác. Ảnh: AP
Quân đội đã lật đổ ông Morsi vào thứ tư vừa qua sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ khắp nước do các nhà hoạt động trẻ khởi xướng đòi ông từ chức. Anh em Hồi giáo tố cáo hành động can thiệp như là một cuộc đảo chính và thề kháng cự ôn hòa chống lại "nhà chức trách tiếm quyền". Họ kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại quân đội.
Đảng Al-Nour Hồi giáo cực đoan bảo thủ, vốn ủng hộ hành động quân sự, cho biết họ đã rút khỏi các cuộc đàm phán để lập ra một chính phủ lâm thời nhằm phản kháng điều họ gọi là "cuộc thảm sát của Vệ binh Cộng hòa". Nader Bakar, người phát ngôn của đảng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, tuyên bố trên Facebook: "Chúng tôi đã thông báo rút khỏi tất cả các bước đàm phán như một phản ứng đầu tiên".
Quân đội nói rằng vụ lật đổ không phải là đảo chính và họ chỉ thực thi ý nguyện của nhân dân sau khi hàng trăm ngàn người xuống đường vào ngày 30-6 kêu gọi ông Morsi từ chức.
Việc hai phe chống đối và ủng hộ ông Morsi tiếp tục kình chống nhau ở Cairo, Alexandria và các thành phố khác trên cả nước đã thật sự báo động các đồng minh của Ai Cập, gồm Mỹ, châu Âu và Israel - quốc gia mà Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình từ năm 1979 với sự bảo trợ của Mỹ. Lúc này, quốc gia 84 triệu dân đang ở tình thế rất nguy hiểm khi tình trạng thù địch trong nội bộ nhân dân tăng lên và khủng hoảng kinh tế tiếp tục thách thức đất nước.
Đối với nhiều người Hồi giáo, vụ lật đổ vị tổng thống được bầu chọn tự do đầu tiên của Ai Cập là một sự đảo lộn cay đắng làm tăng nỗi sợ về sự trở lại của tình trạng áp bức mà họ đã chịu đựng trong nhiều thập kỷ dưới các chế độ chuyên quyền như Hosni Mubarak.
Về mặt khác của tình trạng chia rẽ chính trị, hàng triệu người Ai Cập đã nhìn thấy mặt trái của một nhà lãnh đạo mà họ tin là đang toan tính cho sự thống trị đất nước của Hồi giáo - một cáo buộc đã bị Anh em Hồi giáo kịch liệt bác bỏ.
Washington không tố cáo việc tiếp quản của quân đội hay gọi đó là một cuộc đảo chính, dẫn đến sự hoài nghi của Anh em Hồi giáo rằng Mỹ ngầm ủng hộ việc thay ngựa giữa dòng. Thế nhưng, Tổng thống Barack Obama yêu cầu xem xét lại tình hình để quyết định liệu khoản viện trợ hằng năm 1,5 tỉ USD của Mỹ, hầu hết dành cho quân đội Ai Cập, có nên rút lại nếu quân đội của một nước phế truất một tổng thống được bầu chọn dân chủ.
Bình luận (0)