Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde ngày 30-8, Tổng thống Hollande tuyên bố: “Pháp muốn có một hành động mạnh mẽ và cân xứng đối với chính quyền Damascus”.
Ông còn cho biết quốc hội Pháp sẽ triệu tập phiên họp khẩn về vấn đề Syria vào ngày 4-9. Tổng thống Hollande không cần sự phê chuẩn của quốc hội để phát động các cuộc tấn công quân sự kéo dài dưới 4 tháng, do đó ông có nhiều khả năng phát động tấn công Syria hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron.
Tổng thống Pháp Hollande kiên quyết trừng phạt Syria. Ảnh: Reuters
Theo tổng thống Pháp, kết quả bỏ phiếu của quốc hội Anh sẽ không ảnh hưởng tới ý định trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì đã tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học của Pháp. “Có ít quốc gia đủ năng lực để giáng đòn trừng phạt bằng các phương tiện thích đáng. Pháp là một trong số đó. Chúng tôi sẵn sàng” - ông Hollande nói. Cũng theo ông, Pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của mình.
Trong khi ông Hollande đưa ra những phát biểu cứng rắn thì quân đội Pháp vẫn giữ im lặng về các kế hoạch của họ. Nhưng hôm 29-8, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết “quân đội đang trong tình trạng sẵn sàng” nếu tổng thống yêu cầu can thiệp.
Về phía Anh, Thủ tướng Cameron ngày 30-8 nói ông thấy tiếc vì không thuyết phục được quốc hội ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria và hy vọng tổng thống Mỹ hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe ý dân. "Tôi chưa nói chuyện với ông Obama kể từ sau cuộc bỏ phiếu. Có thể tôi sẽ gọi điện vào mấy ngày sau. Tôi nghĩ ở đây không có vấn đề phải xin lỗi ông ấy” - ông Cameron trả lời phỏng vấn trên truyền hình Anh.
Quân nổi dậy Syria chuẩn bị phóng rốc két vào quân chính phủ ở Deir al-Zor ngày 29-9. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, cố vấn cấp cao về ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, nhận định cuộc bỏ phiếu ở Anh phản ánh suy nghĩ của phần đông người dân châu Âu. "Người dân bắt đầu nhận thấy nguy cơ. Nga luôn cố gắng tránh một viễn cảnh can thiệp quân sự vào Syria” - ông Ushakov nói.
Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 30-8 cho rằng không việc gì phải vội vàng ép Hội đồng Bảo an chống lại Syria. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: “Trước khi cuộc điều tra kết thúc, tất cả các bên không nên vội đánh giá kết quả và dĩ nhiên càng không nên thúc ép Hội đồng Bảo an. Hành động quân sự không thể giải quyết vấn đề Syria mà chỉ khiến tình hình Trung Đông tệ hơn”.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng loại bỏ khả năng nước này tham gia không kích Syria.
Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đến bệnh viện quân y Yousef al-Azma ở Damascus để điều tra. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)