Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Úc cuối tuần rồi phản ánh tính trung tâm lâu dài của ASEAN trong một trật tự khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Dù vậy, một số lãnh đạo ASEAN có thể thắc mắc rằng liệu các nhà hoạch định chính sách Úc có thực sự nghĩ thế hay không.
Sách trắng về đối ngoại gần đây của Canberra ủng hộ tầm nhìn mới của khu vực, được gọi là Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một số người ở Đông Nam Á đang thắc mắc điều này có ý nghĩa gì đối với họ. Câu trả lời là sáng kiến này mang đến cơ hội chứ không phải mối đe dọa. Giờ là lúc các nước ASEAN nối gót Indonesia trong việc tham gia thiết lập một trật tự khu vực đang thay đổi dựa theo luật lệ và sự bao trùm.
Tuy nhiên, thuật ngữ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đang vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, một phần do nó gắn liền với sự hồi sinh của nhóm "Tứ giác kim cương", bao gồm 4 nền dân chủ Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc.
Việc có chung địa lý hàng hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương giúp giải thích sự hợp tác và nỗi lo chung của những nước này về sức mạnh của Trung Quốc. Dù vậy, sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ xoay quanh bộ tứ nói trên.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc tại Sydney hôm 18-3 Ảnh: REUTERS
Chắc chắn thuật ngữ trên vẫn chưa có trong từ điển ngoại giao chuẩn của ASEAN - lâu nay vẫn xem họ là tổ chức hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội được thành lập trong thế kỷ XX này khi đó có lập trường không rõ ràng về Ấn Độ và không xem trọng Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, cho dù dùng từ ngữ gì, sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể là chính xác những gì mà ASEAN cần để duy trì và mang lại sức sống mới cho vị thế của mình tại một châu Á hàng hải đang trở thành trung tâm quan trọng về chiến lược và kinh tế trên toàn cầu.
Về cơ bản, sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh sự kết nối ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như giữa Đông Á và Nam Á.
Đó cũng là sự nhìn nhận đối với chuyện Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước ASEAN phụ thuộc nhiều vào năng lượng, hoạt động giao thương trên các tuyến đường biển của Ấn Độ Dương và sự trỗi dậy của Ấn Độ như là một cường quốc châu Á. Đó là điều không nên bàn cãi.
Suy cho cùng, Trung Quốc mới là quốc gia muốn tăng cường hiện diện mạnh mẽ nhất ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, với quyết tâm mở rộng lợi ích, ảnh hưởng, cơ sở hạ tầng và an ninh thông qua cái gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trong bản đồ của Trung Quốc về khu vực này, "con đường" nói trên là cách nói gọn của Con đường tơ lụa trên biển, tức chủ yếu nói đến các tuyến đường biển ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Cùng khu vực nhưng khác tên gọi. Vậy vấn đề ở đây là gì? "Vành đai và Con đường" là một khái niệm do Trung Quốc nói đến, gắn liền với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó, các tuyến đường biển của Đông Nam Á không thể tách rời khỏi Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phiên bản châu Á đương đại này công nhận ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm về chính trị trong các tổ chức khu vực.
Quả thật, các tổ chức ngoại giao lớn được ASEAN thành lập - như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - đều có yếu tố Ấn Độ - Thái Bình Dương với những thành viên như Ấn Độ, Úc, Mỹ và các đối tác khác bên ngoài Đông Á. Đây là điều cần thiết để bảo đảm rằng những tổ chức như vậy không bị kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Nó cũng giúp lý giải việc Trung Quốc năm 2005 vận động không thành công các nước Đông Nam Á không cho Ấn Độ, Úc và New Zealand gia nhập các tổ chức của mình. Không như khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũ, Ấn Độ - Thái Bình Dương xem Đông Nam Á là trung tâm địa - chính trị của khu vực.
Dĩ nhiên, Ấn Độ - Thái Bình Dương được định nghĩa để Úc tự động thuộc về khu vực này. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan - các nước nằm ở ranh giới chiến lược của 2 đại dương liên quan.
Không có gì lạ khi giới lãnh đạo Indonesia đang táo bạo hơn với quan điểm của mình về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Joko Widodo gần đây công bố tham vọng của Indonesia đối với một kiến trúc ngoại giao Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên sự cởi mở, minh bạch và bao trùm. Trong khi đó, Singapore đã thực hiện chiến lược ngoại giao 2 đại dương thực dụng kể từ khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu lần đầu bắt tay với Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.
Không phải là một cơn sóng đe dọa, sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương mang đến những vùng biển mở tiềm tàng, một khuôn khổ cho phép Úc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á bảo đảm mọi tàu thuyền đi lại yên ổn và mọi tiếng nói đều được lắng nghe tại khu vực.
Bình luận (0)