xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ASEAN hàn gắn rạn nứt vì biển Đông

HOÀNG PHƯƠNG

Bản dự thảo tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao ASEAN cho biết các nhà lãnh đạo cam kết giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc mà “không viện đến sự đe dọa hoặc dùng vũ lực”

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp trong 2 ngày 24 và 25-4 tại Brunei để thăm dò cách thức xúc tiến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, ASEAN cũng hy vọng hàn gắn được những rạn nứt xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giữa một số thành viên với Trung Quốc.

Rào cản phi thuế quan

Với chủ đề “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta”,  hội nghị lần này tập trung bàn về đẩy mạnh hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết nội khối, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Brunei,  chủ tịch ASEAN trong năm 2013, cho biết chủ đề hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của công chúng trong việc hiện thực hóa khát vọng về một Cộng đồng ASEAN; vai trò của  người dân từng nước thành viên trong việc phát triển sự hợp tác về lĩnh vực an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
 
img
Trưởng đoàn các nước ASEAN dự bữa ăn tối làm việc vào tối 24-4. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, báo The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định trở ngại lớn đối với mục tiêu nói trên hiện là các biện pháp phi thuế quan. Chẳng hạn, Indonesia vào năm ngoái đã ban hành một loạt quy định hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm trái cây và rau quả để bảo vệ nông dân trong nước. Sanchita Basu Das, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định khó có thể tìm ra giải pháp cho các biện pháp và rào cản phi thuế quan trong vài năm tới.

Quay lại truyền thống đồng thuận

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến tìm cách hàn gắn những chia rẽ xuất hiện tại các hội nghị ở Campuchia vào năm ngoái.  Khi đó, nước chủ nhà bị xem là đã đứng về phía Trung Quốc để ngăn ASEAN đưa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh ở biển Đông.

Prapat Thepchatree, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Thammasat (Thái Lan), nhận định: “Năm ngoái là một sự thụt lùi của ASEAN bởi sự chia rẽ. Nhưng năm nay, chúng ta có thể thấy ASEAN lại một lần nữa có được một lập trường chung nếu nhìn vào kết quả của hội nghị ngoại trưởng chuẩn bị cho hộiï nghị thượng đỉnh”. Các ngoại trưởng ASEAN họp tại Brunei trước đó đã đồng ý theo đuổi đối thoại với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Bất chấp những căng thẳng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, các nhà phân tích chính trị nhận định nước chủ nhà Brunei nhiều khả năng sẽ quay lại với truyền thống đồng thuận và tập trung nỗ lực vào những hiệp định kinh tế, thương mại. Báo The Wall Street Journal dẫn bản dự thảo tuyên bố chung được lưu hành trước thềm hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cam kết giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc  mà “không viện đến việc đe dọa hoặc dùng vũ lực”. Các nhà lãnh đạo sẽ yêu cầu các bộ trưởng “tiếp tục làm việc tích cực với Trung Quốc về cách thức thúc đẩy việc sớm hoàn tất COC dựa trên cơ sở đồng thuận”. Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết sẽ tiếp tục gây sức ép về vấn đề biển Đông và kêu gọi ký kết COC càng sớm càng tốt.

Liên quan đến việc tăng cường hội nhập kinh tế bên ngoài khối, bản dự thảo cho biết ASEAN vào tháng tới sẽ bắt đầu thương thảo với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand về một hiệp định thương mại tự do - gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - với mục tiêu hoàn tất vào năm 2015. Nhóm này có hơn 3 tỉ dân, với tổng GDP đạt khoảng 20.000 tỉ USD, chiếm 40% thương mại toàn cầu.

Báo The Wall Street Journal cho rằng những nội dung của bản dự thảo tuyên bố chung có thể thay đổi dựa trên các cuộc thảo luận tại hội nghị.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22
 
Ngày 24-4, Hội nghị Cấp cao thường niên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 với chủ đề “Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta” đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham dự hội nghị. Theo chương trình hoạt động của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bữa ăn tối làm việc cùng lãnh đạo các nước ASEAN vào tối 24-4 và tiến hành phiên họp hẹp trong ngày 25-4.
 
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi về những trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2013, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN và định hướng tương lai của hiệp hội, cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực và về vấn đề biển Đông, cũng như về hợp tác ứng phó với các thách thức: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác.
 
Theo TTXVN, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah và tiếp xúc song phương với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
 
Lục San
 

Nghị viện châu Âu ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 23-4 cho biết Nghị viện châu Âu gần đây đã thông qua nghị quyết ủng hộ Manila đưa tranh chấp trên biển Đông ra tòa án quốc tế.

Nghị quyết trên được thông qua ngày 14-3 với nội dung: “Đã đến lúc báo động về tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông và yêu cầu các bên liên quan kiềm chế các hành động chính trị và quân sự đơn phương. Xung đột chủ quyền ở biển Đông cần được phân xử tại tòa án quốc tế theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để duy trì ổn định trong khu vực”. Theo báo The Philippine Star, Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế khi theo đuổi các mục tiêu ở hải ngoại”.

“Nghị quyết của Nghị viện châu Âu là cột mốc trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ đối với vụ kiện của chúng tôi” - Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario nhấn mạnh.

 Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vào ngày 22-1 nhằm buộc nước này ngừng xâm phạm khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng như vô hiệu hóa “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh. Trung Quốc đã từ chối ra tòa nhưng phiên tòa vẫn có thể tiến hành không cần sự có mặt của nước này.
 
Mỹ Nhung
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo