Báo cáo dài 62 trang nêu trên cho rằng giao tranh có thể ảnh hưởng 25 triệu người ở mỗi bên, bao gồm ít nhất 100.000 công dân Mỹ. Vũ khí có tính sát thương cao nhất của Triều Tiên chính là lực lượng pháo binh với khả năng bắn 10.000 phát/phút.
Đây cũng chính là điều mà giới chức quốc phòng Hàn Quốc "nhắc nhở" Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khi ông đến khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều hôm 27-10. Chỉ vào các khẩu pháo tầm xa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-Moo nói: "Tôi cho rằng không thể ngăn chặn những khẩu pháo này", đồng thời nhấn mạnh cần có chiến lược "vô hiệu hóa" chúng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo Reuters, ông Mattis chỉ đáp lại ngắn gọn: "Tôi hiểu".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo tại cuộc hội đàm ở Seoul hôm 28-10 Ảnh: AP
Sau cuộc họp với quân đội Hàn Quốc ngày 28-10, ông chủ Lầu Năm Góc một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh. "Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay đồng minh của chúng tôi đều sẽ bị đánh bại. Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Triều Tiên cũng bị đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả bằng quân sự" - ông Mattis nhấn mạnh.
Dẫu vậy, có vẻ rất khó trấn an Hàn Quốc khi thủ đô Seoul với 25 triệu dân của họ chỉ cách DMZ vỏn vẹn 48 km, nằm gọn trong tầm bắn của các khẩu pháo đặt ở thị trấn Kaesong phía Triều Tiên.
Theo báo Washington Post, Triều Tiên đã di chuyển một số lượng khổng lồ các khẩu pháo tới biên giới với Hàn Quốc, có thông tin là lên đến 8.000 khẩu. Ông Joseph S. Bermudez Jr., chuyên gia phân tích hình của trang 38 North, đầu năm nay ước tính chỉ riêng ở Kaesong đã có 500 khẩu pháo.
Thương vong sẽ tăng nhanh trong khi quy mô cuộc chiến có thể vượt khỏi bán đảo Triều Tiên nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Nga bị cuốn vào, theo báo cáo của CSR. Khi đó, Mỹ phải huy động lực lượng khổng lồ đến khu vực này và có nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp với Trung Quốc.
Khi báo giới hỏi về vấn đề này ngày 28-10, ông Mattis nói rằng có nhiều giải pháp quân sự, trong đó "nguy cơ đối với Hàn Quốc được giảm thiểu". Dù vậy, ông nhắc lại rằng biện pháp quân sự là "nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".
Theo báo cáo của CRS, một số nhà phân tích cho rằng đàm phán có thể được tăng tốc nếu "cả Triều Tiên và Trung Quốc tin rằng chuyện Mỹ tấn công quân sự là có khả năng".
Bình luận (0)