Tuần rồi, các nhà nghiên cứu ở bộ phận y học tình dục của Trung tâm Y khoa Trường Đại học Schleswig-Holstein (UKSH) tại TP Kiel đã công bố những phát hiện mới nhất về bộ não của những người mắc chứng ấu dâm với kỹ thuật cộng hưởng từ (MRT). Kiel là thủ phủ bang Schleswig-Holstein của Đức.
Theo bác sĩ tâm lý trị liệu Jorge Ponseti, những nhà khoa học Pháp, Canada và các nước Bắc Âu từng nghiên cứu về chứng rối loạn tình dục này. Thế nhưng, những công trình nghiên cứu các chức năng của não bộ còn quá ít. Các nhà khoa học Đức đã có những nỗ lực theo hướng này nhằm giải mã bí mật của chứng ấu dâm.
Bác sĩ Ponseti nhận xét: “Với MRT, các nhà khoa học có điều kiện tối ưu để tìm hiểu sâu hoạt động và kết cấu của bộ não những người mắc chứng ấu dâm. Điều kỳ diệu nhất là MRT cho phép chúng ta biết vùng não nào hoạt động mạnh và vùng nào hoạt động kém”.
IQ thấp
Các nhà khoa học UKSH không nghiên cứu đơn độc về chứng ấu dâm. Họ phối hợp với 5 viện nghiên cứu khác về đề tài này. Nhưng UKSH là nhóm duy nhất dùng MRT để nghiên cứu não của nhóm người mắc chứng ấu dâm. Nhờ nó mà các nhà khoa học hiểu sâu hơn sở thích bệnh hoạn và lệch lạc về tình dục này ở người trưởng thành.
Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Đức đã xác định được một số chỉ dấu về tâm lý học thần kinh giúp việc chẩn đoán chính xác đối tượng có phải là người mắc chứng ấu dâm hay không. Ví dụ, chỉ số thông minh (IQ) của họ thấp hơn người bình thường khoảng 8 điểm. Bác sĩ Ponseti cho biết: “Tuổi tác của nạn nhân ấu dâm cũng liên quan đến IQ của hung thủ. Chỉ số IQ của hung thủ càng thấp thì tuổi nạn nhân càng nhỏ”.
Vóc dáng của tội phạm ấu dâm cũng là một chỉ dấu đáng chú ý. Đa số người mắc chứng ấu dâm và tội phạm ấu dâm có vóc dáng thấp hơn mức trung bình của một người bình thường. Người ta còn phát hiện rằng những người này hồi nhỏ bị đánh vào đầu nhiều hơn gấp đôi người bình thường, ảnh hưởng tới hoạt động não bộ khi lớn lên. Hình ảnh MRT cũng cho thấy não của những người mắc chứng ấu dâm có kết cấu khác biệt hơn người bình thường.
Những phát hiện nêu trên tuy vậy chưa đủ để giải thích tại sao có những người mắc chứng ấu dâm, đôi khi nặng nề đến mức không kiềm chế nổi dục vọng, gây nên tội ác đối với trẻ em. Bởi lẽ, theo bác sĩ Ponseti, có những người mắc chứng này nhưng không đi quá giới hạn khiến họ trở thành tội phạm.
Không thể giải thích vì sao mắc bệnh
Công trình nghiên cứu thực hiện ở TP Kiel được tiến hành âm thầm để bảo đảm công bằng và chất lượng. UKSH lập một đường dây nóng và một cổng internet đặc biệt để liên lạc thông tin với bên ngoài.
“Họ phải làm như vậy vì không phải tất cả người mắc chứng ấu dâm đều trở thành tội phạm theo định kiến xã hội” - bác sĩ Ponseti giải thích. Ông thừa nhận đối với phụ huynh các nạn nhân, chấp nhận sự thật này là một điều rất khó khăn.
Rất nhiều người không biết rằng y học xếp ấu dâm là một chứng rối loạn về tình dục đối với trẻ vị thành niên. Theo hệ thống xếp hạng mới của khoa bệnh học tâm thần Mỹ, chỉ những người có ham muốn tình dục lâu dài và liên tục đối với trẻ em mới được coi là người mắc bệnh ấu dâm.
Trái lại, theo bác sĩ Ponseti, nếu có ham muốn tình dục lệch lạc đó nhưng không thực hiện hành vi ấu dâm thì gọi là thiên hướng tình dục. “Kỹ thuật MRT cho phép chúng ta biết ai mắc chứng ấu dâm nhưng thật không may, nó không thể giải thích tại sao con người mắc bệnh đó” - bác sĩ Ponseti kết luận.
Có thể phòng ngừa tội phạm
Cách đây nửa năm, các nhà khoa học Thụy Điển đã triển khai một chương trình thử nghiệm phòng ngừa những người mắc chứng ấu dâm phạm tội. Bác sĩ Christoffer Rahm, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Karolinska ở Stockholm - Thụy Điển, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là xác lập một chương trình điều trị dự phòng cho những người mắc chứng ấu dâm, giúp họ tránh được cám dỗ xâm phạm tình dục trẻ em”.
Chương trình cấp cho họ một loại thuốc chữa ung thư tuyến tiền liệt mà các nhà khoa học tin rằng có thể giảm nguy cơ phạm tội. 60 người mắc chứng ấu dâm đã tình nguyện tham gia chương trình. Họ được chia ra hai nhóm. Một nhóm uống Degarelix - thuốc ngừa ung thư tuyến tiền liệt, nhóm còn lại uống giả dược.
Theo bác sĩ Rahm, thuốc Degarelix có tác dụng làm giảm mạnh testosterone. Ông lý giải: “Testosterone là một trong những nguy cơ khiến bệnh nhân phạm tội ấu dâm bao gồm kích thích ham muốn tình dục mãnh liệt khiến bệnh nhân mất kiềm chế, mất lý trí, chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức. Degarelix sẽ giúp người bệnh giảm ham muốn tình dục nhưng không đến mức liệt dương”.
Dùng thuốc triệt dâm
Đối phó với nạn xâm hại tình dục trẻ em, thế giới hiện có hai cách. Cách thứ nhất, đối với tội phạm ấu dâm, dùng thuốc triệt dâm. Hàn Quốc là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng hình phạt triệt để này từ năm 2011. Pyo, 31 tuổi, là phạm nhân đầu tiên bị thiến bằng hóa chất. Pyo can tội tấn công tình dục trẻ em nhiều lần rồi dùng hình ảnh lén quay được để tống tiền nạn nhân. Thuốc có hiệu lực 3 năm. Phạm nhân sau khi mãn tù phải đeo vòng điện tử để cảnh sát theo dõi suốt 20 năm.
Cách thứ hai cũng dùng thuốc triệt dâm nhưng áp dụng cho những người mắc chứng ấu dâm không muốn phạm tội hình sự ở Thụy Điển. Chương trình mang tên Priotab do bác sĩ Christoffer Rahm thuộc Viện Karolinska khởi xướng. Nó mang tính phòng ngừa hơn trừng phạt bởi những người tham gia chương trình với tư cách tình nguyện.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-11
Bình luận (0)