Sự việc trên diễn ra sau khi có tin Nga đã triển khai thường trực các hệ thống tên lửa có năng lực hạt nhân tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ giáp với Ba Lan.
Mối quan hệ Ba Lan - Nga vẫn tiếp tục căng thẳng. Vào đầu tuần này, Ba Lan nằm trong số nhiều quốc gia đã trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, bất chấp Moscow phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố thỏa thuận "lịch sử" nói trên cung cấp cho Ba Lan hệ thống phòng thủ "tân tiến".
Sau lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) hôm 28-3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ đã chứng minh được khả năng của nó ở nhiều quốc gia khác nhau.
Ông Blaszczak nói thêm rằng Ba Lan "gia nhập nhóm các quốc gia sở hữu một hệ thống vũ khí có hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh".
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak (trái) và Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Paul W.Jones trong buổi lễ ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Reuters
Lô hàng đầu tiên, bao gồm 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, dự kiến được chuyển giao vào năm 2022.
Theo Reuters, Warsaw đang thương lượng với Washington về việc mua thêm Patriot và hệ thống radar 360 độ thế hệ mới bên cạnh tên lửa đánh chặn chi phí thấp trong khuôn khổ hiện đại hóa quốc phòng giai đoạn hai.
Theo phóng viên Adam Easton của BBC ở Warsaw, Ba Lan hiện vẫn đang sử dụng phần lớn khí tài quân sự có nguồn gốc từ thời quốc gia này còn tham gia Hiệp ước Warsaw do Nga dẫn đầu.
Thỏa thuận "lịch sử" hôm 28-3 nói trên được ký kết trong bối cảnh Mỹ đang phát triển lá chắn chống tên lửa gây tranh cãi ở châu Âu.
Trước đó, vào năm 2016, Mỹ đã kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania trong một động thái khiến Nga nổi giận. Bất chấp những lời cảnh báo của Moscow, Washington hiện vẫn đang xây dựng một lá chắn tương tự ở Ba Lan.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov từng khẳng định với đài Sputnik vào hồi tháng 11-2017 rằng việc triển khai Patriot nằm trong kế hoạch bao vây Nga bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Patriot là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không được phát triển để bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này, được công ty quốc phòng Raytheon phát triển, đang được Mỹ và nhiều đồng minh NATO sử dụng.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng này đã công bố hàng loạt vũ khí hạt nhân mới mà ông khẳng định là có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới và xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Bình luận (0)