Báo Telegraph (Anh) dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski nói: “Các thành viên cần được hưởng mức độ an ninh ngang nhau. Ba Lan đã là thành viên NATO 15 năm qua. Chúng tôi hoan nghênh một sự hiện diện quân sự lớn và thường trực”. Cụ thể, Ba Lan đề nghị NATO triển khai 2 lữ đoàn vũ trang với mỗi đơn vị khoảng 5.000 quân đồn trú lâu dài tại nước này. Ba Lan có chung đường biên giới dài hơn 230 km với Nga.
Đáp lại đề nghị của Ba Lan, Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu thận trọng: "Chúng ta cần tạo thêm những đảm bảo và tin tưởng cho các đồng minh ở miền Đông. Anh sẽ đóng góp máy bay tuần tra ở Baltic và chúng tôi có thể có những biện pháp khác tùy theo tình hình".
Anh đã ngỏ ý gửi máy bay chiến đấu RAF Typhoon tham gia các cuộc tập trận của NATO trên không phận Ba Lan và các cuộc tuần tra bầu trời các nước vùng Baltic.
Tuy nhiên, Đức và một số thành viên NATO khác không muốn gây thêm căng thẳng với Moscow bằng cách đưa quân áp sát biên giới Nga. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans thẳng thừng: “Không, chúng ta không cần có bất cứ binh lính NATO nào trên các vùng biên giới với Nga”.
Hội nghị ngoai trưởng NATO tuyên bố cắt quan hệ hợp tác với Nga. Ảnh: EPA
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, NATO cho biết sẽ ngừng "toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự trên thực tế" với Nga do việc Moscow sáp nhập Crimea.
Cũng theo tuyên bố, NATO và Ukraine sẽ tăng cường hợp tác và thúc đẩy cải cách quốc phòng tại Ukraine thông qua huấn luyện và các chương trình khác.
NATO tuyên bố chưa thấy dấu hiệu Nga rút quân ở biên giới Ukraine về. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến liên quan, nguồn quân sự thạo tin bên lề hội nghị NATO cho biết Mỹ đã đề nghị Romania cho phép tăng quân Mỹ đóng tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu ở Constanta bên Biển Đen từ 1.000 lên 1.500 binh sĩ. Ngoài ra, Mỹ định phái 1 tàu chiến đến biển Đen.
Căn cứ Mihail Kogalniceanu đang được dùng để tiếp vận cho quân đội Mỹ ở Afghanistan. Mỹ sử dụng cơ sở này từ khi bắt đầu quá trình mở rộng NATO năm 1999.
Cùng ngày 1-4, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Angel Naidenov cho biết đã đặt lực lượng không quân trong tình trạng báo động cao hoặc triển khai khoảng 30 lần trong 2 tháng qua để phản ứng lại việc Nga tăng cường các chuyến bay quân sự gần biên giới giữa 2 nước ở biển Đen.
Theo Reuters, Tổng thống Rosen Plevneliev - người còn giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Bulgaria - cũng cho biết các máy bay tiêm kích cũ kỹ Mig-29 của nước này đã được triển khai với tần suất 2-3 lần/tuần trong những tháng gần đây, so với mức 2-3 lần/năm trước kia.
Ông Plevneliev kêu gọi Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria hợp tác tuần tra trên không. “Vào thời điểm hiện tại, 1 máy bay Nga buộc 2 máy bay Romania, 2 máy bay Bulgaria và 1 máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cùng cất cánh. Điều này hoàn toàn không hiệu quả”.
Trong một diễn biến khác, trong cuộc gặp phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin ngày 1-4, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cam kết: “Chúng ta phải gắn bó hơn với nhau và trong bất cứ tình huống nào chúng tôi cũng ở bên Nga”.
Cuộc tập trận chung Nga-Belarus Zapad-2013 được hai nước đánh giá cao. Ảnh: RIA Novosti
Bình luận (0)