Từng bào chữa cho vợ góa của cựu chủ tịch Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh, luật sư Trương Tư Chi đã chứng kiến người đàn bà thâu tóm quyền lực tối cao tại Trung Quốc trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976) tự vệ đầy khí thế dẫu rằng vô ích.
Bà Giang lãnh án tử hình năm 1981 vì phải chịu trách nhiệm cho hàng chục ngàn người thiệt mạng thời kỳ đó nhưng bà được hoãn thi hành án và sau đó được ra tù với lý do sức khỏe năm 1991. Tuy vậy, bà được xác nhận tự tử tại bệnh viện cùng năm.
Ông Bạc Hy Lai sẽ "tự vệ đến cùng" khi phải ra tòa. Ảnh: Reuters
“Bạc Hy Lai sẽ được quyền tự bào chữa nhưng liệu ông ấy có thể sử dụng nó không? Tôi không dám đoan chắc. Nhưng với những gì tôi biết về người đàn ông này, tôi cho rằng ông ấy sẽ tự bảo vệ hết mức có thể” - luật sư Trương trao đổi với Reuters trong ngôi nhà giản dị của ông ở trung tâm Bắc Kinh tối 31-10.
Đã 85 tuổi nhưng luật sư Trương còn minh mẫn. Theo ông, phiên tòa xử Bạc Hy Lai sẽ mang tính “trình diễn” và phán quyết có tội gần như là chắc chắn.
Ông Bạc Hy Lai, 63 tuổi, là ngôi sao sáng trên chính trường Trung Quốc trước khi rơi xuống vực thẳm của sự nghiệp do dính vào vụ cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bỏ chạy đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi tháng 2-2012.
Cả ông Vương và bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, đều đã lãnh án do liên quan đến vụ án mạng của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Sau nhiều tháng im lặng, vào tháng 9, ông Bạc bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị cáo buộc hàng loạt tội, từ tham nhũng, lạm quyền đến quan hệ bất chính với phụ nữ.
Bàn về bà Cốc, luật sư Trương cho rằng người phụ nữ 53 tuổi này sẽ không tự kết liễu như bà Giang Thanh. “Hành động tự sát của Giang Thanh mang tính chính trị. Thực chất bà ấy không sợ chết. Cốc Khai Lai không như thế. Bà ta chỉ là một cô bé thôi”.
Bình luận (0)