Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh đang làm mọi điều có thể để khống chế dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra.
Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nước này đang dần đạt được kết quả và tự tin rằng có thể đánh bại dịch nCoV mà không có hậu quả lâu dài nào đối với sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống dịch nCoV khi trao đổi qua điện thoại.
Đây là lần đầu tiên nội dung một cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc được công khai kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc vào tháng 12-2019. Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế để đối phó tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Hãng tin Reuters dẫn một số nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể giảm trong quý I/2020 (so với mức 6% của quý trước đó) nhưng sẽ hồi phục mạnh nếu dịch sớm đạt đỉnh.
Các nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm nCoV bên trong khu cách ly tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán hôm 6-2 Ảnh: REUTERS
Số liệu mới nhất được Bắc Kinh công bố hôm 7-2 cho thấy những dấu hiệu tích cực nhất định. Số ca nhiễm mới tăng thêm 3.143 lên 31.161 ca tính đến hết ngày 6-2 nhưng mức tăng tiếp tục giảm so với 2 ngày trước đó (3.694 ca hôm 5-2 và 3.887 ca hôm 4-2). Dù vậy, các chuyên gia nhận định giờ chưa phải lúc để nói những dữ liệu này phản ánh một xu hướng nào đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 5-2 cho rằng vẫn còn quá sớm để nói dịch bệnh đã đạt đỉnh. Ông Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO, đánh giá dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh và con số hơn 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn là mối quan ngại lớn.
Một nỗi lo khác của cuộc chiến chống dịch nCoV là số lượng người tử vong vẫn không ngừng gia tăng hằng ngày. Riêng Trung Quốc đại lục ghi nhận 636 người tử vong vì nCoV tính đến hết ngày 6-2 (tăng thêm 73 trường hợp), ngoài đại lục có 2 nạn nhân ở Hồng Kông và Philippines. Trong bối cảnh đó, WHO đã thúc giục các nước thành viên đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chia sẻ thêm thông tin về các trường hợp nhiễm nCoV. Theo WHO, tình trạng thiếu thông tin chi tiết các ca bệnh đang cản trở nỗ lực ứng phó dịch bệnh này.
Một tuần sau khi WHO đánh giá dịch nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, tổ chức này cho biết vẫn chưa nhận được tất cả dữ liệu cần thiết để đưa ra các lời khuyên cần thiết cho các doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy nCoV đã lây lan sang ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục với tổng số ca nhiễm trên thế giới lên đến 31.482 ca. Dù vậy, theo trang Bloomberg, WHO cho biết chỉ mới nhận được báo cáo đầy đủ của khoảng 38% trường hợp nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc tính đến ngày 5-2.
Các nước thành viên WHO không chỉ có nghĩa vụ báo cáo về số lượng ca nhiễm bệnh mà còn cung cấp những chi tiết như triệu chứng của bệnh nhân, phản ứng của họ đối với điều trị... Ngoài ra, theo các chuyên gia, những thông tin tưởng như không quan trọng như bệnh nhân có bị sốt hay không hoặc họ bắt đầu bị bệnh như thế nào có thể đóng vai trò quan trọng theo sau sự xuất hiện của một chủng virus mới. Theo chuyên gia dịch tễ học David Heymann, WHO cần những thông tin chi tiết nói trên để đánh gia xem liệu việc khống chế dịch bệnh có khả thi hay không.
Bình luận (0)