Reuters dẫn tuyên bố của Trường ĐH Nông nghiệp miền Nam Trung Quốc, đơn vị dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cho biết phát hiện mới nhất này sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc ngăn chặn và kiểm soát nguồn gốc của virus 2019-nCoV.
Trước đó, các chuyên gia y tế cũng tin rằng virus 2019-nCoV bắt nguồn từ dơi, sau đó lây truyền sang người thông qua một loài động vật khác.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trình tự bộ gien của chủng virus corona mới được tách ra từ tê tê trong nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp miền Nam Trung Quốc giống tới 99% của người mắc bệnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian tiềm tàng nhất sau khi các nhà khoa học thử nghiệm hơn 1.000 mẫu từ động vật hoang dã.
Virus corona mới (2019-nCoV) có thể đã lây truyền từ dơi sang người thông qua tê tê. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, GS Dirk Pfeiffer tại Trường ĐH TP Hồng Kông cảnh báo nghiên cứu nói trên còn lâu mới chứng minh được tê tê lây truyền virus 2019-nCoV.
"Chỉ có thể đưa ra kết luận chắc chắn hơn nếu so sánh tỉ lệ lưu hành virus corona mới giữa các loài khác nhau dựa trên các mẫu đại diện. Những điều này gần như là chưa thể" – ông Pfeiffer lập luận.
Dịch bệnh do virus 2019-nCoV đã giết chết ít nhất 636 người ở Trung Quốc. Nó được cho là bắt nguồn từ một khu chợ hải sản bán cả động vật hoang dã ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến nay, hơn 31.000 người đã bị nhiễm virus 2019-nCoV, hầu hết đều ở Trung Quốc.
Virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng giết chết hàng trăm người ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 2002-2003 cũng được xác định có khả năng bắt nguồn từ dơi, sau đó lây truyền sang người thông qua cầy hương.
Trong khi đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thống kê hơn 1 triệu con tê tê đã bị săn bắt từ các khu rừng ở châu Á và châu Phi. Đây được coi là loài động vật bị buôn bán nhiều nhất hành tinh. Tại Trung Quốc, chúng được sử dụng trong y học cổ truyền, còn thịt tê tê được mua bán trên thị trường chợ đen.
Bình luận (0)