Nhà Trắng ngày 20-8 đã xác nhận tính xác thực của đoạn video được cho là ghi cảnh phóng viên Mỹ James Wright Foley bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Caitlin Hayden, nếu video nêu trên là thật thì nước Mỹ sẽ kinh hoàng vì hành động sát hại dã man một phóng viên vô tội. Đoạn video được tải lên YouTube cùng ngày 19-8 nhưng đã bị gỡ xuống và Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang tìm hiểu.
Nhân vật trong video được cho là phóng viên tự do Foley, 40 tuổi, người mất tích ở thị trấn Taftanaz - Syria hồi tháng 11-2012 khi đang làm việc cho báo điện tử GlobalPost. Foley quỳ gối cạnh một tay súng đeo mặt nạ đen nói tiếng Anh bằng giọng Anh.
Ảnh chụp từ đoạn video được cho là ghi lại cảnh nhà báo James Wright Foley bị chặt đầu.
Ảnh: Reuters
IS gọi “vụ hành quyết” là hành động trả đũa các đợt không kích của Mỹ nhằm vào những mục tiêu của họ ở Iraq. Theo Reuters, đoạn video còn có hình ảnh một phóng viên Mỹ khác là Steven Joel Sotloff - người mất tích ở Syria 1 năm trước, khi đang làm việc cho tạp chí Time (Mỹ).
“Ông Obama, số phận của công dân Mỹ này (Sotloff) tùy thuộc vào quyết định kế tiếp của ông” - tay súng đe dọa. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thừa nhận tay súng có thể là người Anh dù cần phân tích thêm.
Báo Jerusalem Post nhận định đoạn video là sự thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Barack Obama. Ông giờ đây phải đau đầu lựa chọn giữa một bên là sinh mạng của công dân Mỹ và một bên là sứ mệnh lớn hơn: ngăn chặn đà tiến của IS tại Iraq.
Mỹ lâu nay vẫn khăng khăng không thương thảo công khai với những kẻ họ cho là khủng bố nhưng nếu ông Obama không nhượng bộ, nhà báo Sotloff nhiều khả năng sẽ có kết cục tương tự Foley.
Kết cục bi thảm
Cuối ngày 19-8, GlobalPost cho biết gia đình phóng viên Foley chưa nhận được thông tin xác nhận cái chết của ông từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, dường như họ đã chấp nhận điều xấu nhất.
Bà Diane Foley, mẹ của Foley, cho biết gia đình luôn tự hào về ông - người đã bất chấp tính mạng để phơi bày thảm cảnh của người dân Syria. Bà cũng kêu gọi bọn bắt cóc phóng thích những con tin vô tội còn lại.
Theo GlobalPost, Foley bị một nhóm tay súng bắt cóc ở miền Bắc Syria hôm 22-11-2012 khi đang trên đường đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Không lâu sau, gia đình Foley phát động chiến dịch nhờ mang ông về nhà an toàn. GlobalPost cũng thuê chuyên gia tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Từng vào sinh ra tử ở Libya và Afghanistan, Foley được ngợi khen là nhà báo từ trong máu. Cái chết của Foley, nếu được xác nhận, sẽ là kết cục bi thảm cho một phóng viên chiến tranh sẵn sàng đương đầu với mọi rủi ro, thách thức và nguy hiểm.
Niềm đam mê với nghiệp báo được Foley bộc lộ ngay từ cuộc chiến Libya năm 2011. Ông bị lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi giam cầm 44 ngày. Sau khi được phóng thích, ông kể lại với hãng tin AP rằng mình và 2 đồng nghiệp đã chứng kiến phóng viên ảnh người Nam Phi Anton Hammerl đi cùng bị bắn chết.
Foley tâm sự: “Biết là mất mạng như chơi nhưng tôi vẫn muốn là phóng viên có mặt tại những điểm nóng xung đột. Chứng kiến Anton ra đi là điều không dễ dàng bởi chuyện này có thể đã xảy ra với bất kỳ ai trong chúng tôi”.
Dù vậy, nhà báo được mô tả là “cao lớn, đẹp trai” này không chùn chân. “Theo dõi từ xa với tôi là không đủ” - ông thổ lộ với sinh viên Trường ĐH Marquette (Mỹ) vào tháng 12-2011 ngay trước khi trở lại Libya để tiếp tục đưa tin về những ngày cuối cùng của chế độ Gaddafi.
Liền sau đó, ông sang Syria khi cuộc nội chiến dai dẳng mới bước vào giai đoạn đầu. Đau xót là dự cảm xấu của Foley đã trở thành hiện thực bằng kết cuộc khiến cả thế giới bàng hoàng!
Nguy hiểm rình rập
Việc nhà báo James Wright Foley bị bắt giữ và đã bị hành quyết tiếp tục dấy lên những câu hỏi về chuyện tác nghiệp tại những điểm nóng trên thế giới và mối nguy hiểm mà phóng viên tự do phải đối mặt.
Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ, trụ sở TP New York - Mỹ) thống kê có khoảng 70 nhà báo bị giết khi đang làm nhiệm vụ trong năm 2013, giảm so với con số 74 của năm 2012. 36% trong số đó thiệt mạng ở chiến trường. CPJ gọi Syria là đất nước nguy hiểm nhất đối với phóng viên trên thế giới với 69 người thiệt mạng và hơn 80 người bị bắt cóc trong lúc đưa tin về cuộc nội chiến nổ ra từ mùa xuân năm 2011.
Bình luận (0)