Người Mỹ gốc Phi Freddie Gray, 25 tuổi, qua đời hôm 19-4 sau 1 tuần hôn mê. Anh bị thương trong lúc bị cảnh sát giam giữ và thiệt mạng. 6 cảnh sát liên quan đến sự cố đã bị bắt và bị Sở Tư pháp điều tra.
Hôm 27-4, vài giờ sau đám tang của Gray, những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh tại TP Baltimore, bang Maryland. Thị trưởng Stephanie Rawlings-Blake cho biết bà đã ra lệnh triển khai mọi nguồn lực để kiểm soát lại tình hình. “Có một sự khác biệt rõ ràng giữa những người biểu tình ôn hòa đòi công lý và những kẻ côn đồ muốn kích động bạo lực” – bà Stephanie nói với đài BBC (Anh).
Thị trưởng Baltimore cũng ra lệnh giới nghiêm thành phố từ 22 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày trong vòng 1 tuần, bắt đầu từ ngày 28-4. Thống đốc Larry Hogan ban hành sắc lệnh nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trước đó, Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính phủ sẽ hỗ trợ hết mình trong trường hợp cần thiết. Theo đại úy Eric Kowalczyk, cuộc bạo động khiến 15 nhân viên công vụ bị thương do bị các đối tượng quá khích ném gạch đá, chai lọ vào người. Hai cảnh sát bị thương nặng đang nằm trong bệnh viện.
Hãng tin AP cho biết khoảng 24 người biểu tình đã bị bắt giữ. Trước khi đêm xuống, một nhà thuốc trong khu vực bị phóng hỏa, các cửa hàng tiện lợi bị cướp phá và một số xe tuần tra của lực lượng an ninh cũng bị phá hỏng. Các quan chức Baltimore ví cuộc bạo động hôm 27-4 giống vụ ám sát lãnh đạo dân quyền da đen, tiến sĩ Martin Luther King, sau năm 1968. Phải mất một thời gian dài trật tự mới được lập lại.
Xe cảnh sát bị đập phá. Ảnh: Reuters
Kể từ vụ thiếu niên da màu Michael Brown không vũ trang bị một sĩ quan cảnh sát ở bang Missouri bắn chết, các cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ. Cái chết của Freddie Gray là sự cố mới nhất làm bùng lên sự tức giận của cộng đồng da màu khi họ bị cảnh sát da trắng “phân biệt đối xử”.
Bạo loạn ở Baltimore. Nguồn: Reuters
Hôi của, cướp phá ở Baltimore. Nguồn: Reuters
Bình luận (0)