Trong lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, Washington đã lập sẵn một danh sách các mục tiêu trong trường hợp bị Tehran tấn công. Khi nhà thầu quân sự Mỹ Nawres Waleed Hamid thiệt mạng vì căn cứ K1 tại Kirkuk - Iraq bị tên lửa tấn công vào ngày 27-12, Mỹ đã sẵn sàng đáp trả.
Tờ New York Times trích dẫn nhiều cuộc phỏng vấn với nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump và quan chức quân sự cho biết sau nhiều tháng theo dõi tướng Soleimani, kế hoạch tiêu diệt người đàn ông quyền lực thứ nhì Iran được tiến hành vào ngày 3-1-2020, một động thái đưa Mỹ đến bờ vực chiến tranh.
Vào ngày 31-12, khi Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị hàng ngàn người biểu tình Iraq tấn công, một bản ghi nhớ tuyệt mật liệt kê những mục tiêu tiềm năng do cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O'Brien phê duyệt bắt đầu được phổ biến cho các quan chức quốc phòng Mỹ.
Mỹ đã lên kế hoạch tiêu diệt Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani suốt 18 tháng. Ảnh: EPA
Theo bản ghi nhớ, biện pháp đáp trả mang tính khiêu khích nhất là sát hại một quan chức Iran bằng đòn tấn công quân sự.
Những cái tên có trong danh sách là tướng Soleimani và Abdul Reza Shahlai, một chỉ huy quân sự người Iran ở Yemen chuyên hỗ trợ tài chính cho các nhóm vũ trang trong khu vực. Những biện pháp khác bao gồm tấn công một cơ sở năng lượng và một con tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Dù ông Soleimani nằm trong tầm ngắm của Mỹ khá lâu nhưng quá trình theo dõi vị tướng bí hiểm này bắt đầu được tăng cường từ hồi tháng 5-2019. Vào thời gian đó, căng thẳng với Iran đang leo thang sau các cuộc tấn công vào 4 tàu chở dầu, khiến cố vấn an ninh quốc gia khi đó là ông John R. Bolton phải yêu cầu quân đội và các cơ quan tình báo đề xuất các biện pháp ngăn chặn sự khiêu khích từ Iran. Ông Bolton đã được gợi ý ám sát tướng Soleimani cũng như các lãnh đạo khác của IRGC.
Đến tháng 9-2019, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ và Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt đều tham gia lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công ông Soleimani và thảo luận xem nên ám sát ông này tại Syria hay Iraq.
Một quan chức giấu tên tiết lộ Mỹ còn cài cắm đặc vụ ở 7 tổ chức khác nhau, bao gồm quân đội Syria, Lực lượng Quds, Hezbollah ở Damascus, sân bay Damascus và Baghdad, nhóm Kataib Hezbollah và lực lượng Huy động Nhân dân ở Iraq để báo cáo hành tung của vị thiếu tướng Iran.
Đoàn xe của ông Soleimani tan tành sau khi trúng tên lửa. Ảnh: AP
Một số nguồn tin tiết lộ với tờ New York Times rằng hồ sơ cho thấy ông Soleimani di chuyển bằng nhiều hãng hàng không và thường mua nhiều vé cho một chuyến đi để cắt đuôi những người theo dõi. Ông ta thường vào máy bay trong những phút cuối và ngồi hàng đầu ở khoang thương gia để là người đầu tiên rời khỏi.
Vào ngày 1-1-2020, tướng Soleimani bay tới Damascus - Syria rồi đi xe tới Lebanon để gặp thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Cùng ngày, tại trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ở Langley, bang Virginia, các quan chức đã chắp nối những thông tin cho thấy ông Soleimani đang huy động và tổ chức các lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Yemen và Iraq để tấn công các đại sứ quán và căn cứ quân sự Mỹ.
Dù không có bằng chứng cụ thể về mối đe dọa sắp xảy ra nhưng CIA xác định rằng hậu quả của việc không hạ sát ông Soleimani sẽ tồi tệ hơn việc ngồi yên chờ đợi.
Tổng thống Trump cũng như các cố vấn cấp cao của ông đều đồng ý với biện pháp tiêu diệt tướng Iran. Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc cảm thấy sốc khi biết ông Trump chọn phương án cực đoan nhất.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ 2 từ trái sang) tại tang lễ tướng Soleimani. Ảnh: PA
Cuối cùng, thiếu tướng Iran bị ám sát vào ngày 3-1 sau khi rời khỏi chuyến bay 6Q501 của hãng hàng không Cham Wings khởi hành từ Damascus - Syria đến Baghdad - Iraq. Chiếc máy bay hạ cánh lúc 0 giờ 36 phút (giờ địa phương) và ông Soleimani cùng đoàn tùy tùng rời máy bay đầu tiên.
Ông Abu Mahdi al-Muhandis, thủ lĩnh của nhiều nhóm dân quân Iraq gắn liền với Iran, xuất hiện và nhập hội. Hai người đàn ông lên hai chiếc xe khác nhau rời khỏi sân bay và bị máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ theo sau.
Đến 0 giờ 47 phút, hàng loạt tên lửa bắn vào đoàn xe, khiến chúng biến thành những quả cầu lửa và giết chết toàn bộ 10 người, gồm ông Soleimani, ông al-Muhandis cũng như các phụ tá của họ.
Hiện vẫn chưa rõ mục đích chuyến đi đến Iraq của tướng Iran. Một số giả thuyết cho rằng ông Soleimani có mặt ở đây để thực hiện một âm mưu tấn công trong khi những người khác cho rằng ông muốn giảm bớt căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Cũng trong đêm đó, lực lượng Mỹ còn định tiêu diệt tướng Abdul Reza Shahlai, một chỉ huy khác của Lực lượng Quds, ở Yemen nhưng thất bại vì một vấn đề tình báo không được tiết lộ.
Bình luận (0)