Những nguyên nhân chính khiến các nạn nhân ở Haiti thiệt mạng được xác định là cây đổ, sập nhà cửa và nước lũ từ các con sông dâng cao. Tại thị trấn ven biển Roche-a-Bateau thuộc vùng Sub có 24 người chết, còn tại vùng Grand Anse số người thiệt mạng là 38.
Ông Louis Paul Raphael, đại diện chính quyền Roche-a-Bateau, thốt lên rằng “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy tình cảnh nào như thế này”.
Ngoài cướp đi sinh mạng của con người, cơn bão cũng giết chết nhiều gia súc. Thức ăn và nước trở nên khan hiếm. Sự tàn phá của cơn bão khiến giới chức Haiti hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 9-10.
Người dân Haiti chứng kiến những ngôi nhà bị bão tàn phá. Ảnh: REUTERS
Nghèo khó, chính phủ yếu kém và điều kiện sống bấp bênh là nguyên nhân khiến nhiều công dân Haiti dễ bị tổn thương trước các thảm họa tự nhiên. Trong năm 2010, một trận động đất mạnh 7 độ Richter tàn phá thủ đô Port-au-Prince, khiến 200.000 người tử vong.
Trước bão, hồi tháng 8, dịch tả đã “giết” hơn 9.000 người tại quốc gia này và làm lây nhiễm hàng trăm ngàn người. Tổ chức Y tế Toàn châu Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ dịch tả ở Haiti sau trận bão vì có khả năng lũ lụt gây ô nhiễm nguồn nước.
Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama ngày 6-10 ban bố tình trạng khẩn cấp ở Florida trong bối cảnh bão Matthew (cơn bão mạnh nhất tại Caribe kể từ cơn bão Felix năm 2007) đang mạnh lên, hướng về Đông nước này.
Với sức gió 205 km/giờ, Matthew dự kiến sẽ tới Florida vào sáng 7-10 (theo giờ địa phương).
Thống đốc Florida Rick Scott gọi cơn bão là “con quái vật” và cho sơ tán người dân tới nơi an toàn. Dựa trên những dự báo mới nhất, siêu bão Matthew có thể sẽ đổ bộ vào Florida như một cơn bão cấp 4 hoặc có thể men theo bờ biển và đi về phía Bắc. Ông Scott cho rằng bão tấn công trực tiếp có thể dẫn đến “sự hủy diệt lớn” kể từ cơn bão Andrew vào năm 1992.
Bình luận (0)