Mặc dù cơn bão đã suy yếu xuống cấp 3 nhưng sức gió vẫn lên đến 193 km/giờ. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC), ngay từ sáng sớm, bão đã gây mưa lớn ở mũi Canaveral, bang Florida. Theo đài CNN, hơn 600.000 người dân bang Florida bị mất điện tạm thời và một số vụ cháy đã xảy ra.
Cảnh báo bão cao nhất trong một thập kỷ qua đã được khởi động ở bang Florida hôm 6-10, buộc Thống đốc Rick Scott phải giục 1,5 triệu người dân sống trên đường đi của bão Matthew sơ tán. Cơ quan Dự báo Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo gió giật có thể phá hủy nhiều nhà cửa. Hàng loạt trường học và cơ quan chính phủ ở khu vực phía Đông Nam đã đóng cửa, hơn 4.300 chuyến bay bị hủy.
Giới chức địa phương nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của cơn bão trong khi NHC đưa ra hàng loạt cảnh báo “nguy cơ bang Florida bị thiệt hại nghiêm trọng”, lũ lụt “đe dọa tính mạng con người” trong vài ngày tới ở bang Florida, Georgia, Bắc và Nam Carolina. Tổng thống Barack Obama hôm 6-10 đã ký sắc lệnh tình trạng khẩn cấp ở Florida, Nam Carolina, Georgia, cho phép chính quyền liên bang phối hợp cứu trợ tại các bang này.
NHC dự báo cơn bão tiếp tục di chuyến theo hướng Bắc, đến các bang Georgia và Nam Carolina trong ngày 8-10 (giờ địa phương).
Trước khi đổ bộ vào Mỹ, Matthew đã quét qua một số quốc gia vùng Caribe, trong đó Haiti gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cơn bão được đánh giá là dữ dội nhất trong vòng một thập kỷ qua tại vùng Caribe khiến hơn 590 người thiệt mạng ở Haiti. Khoảng 21.000 người đang tìm kiếm nơi trú ẩn trong khi chỉ có hơn 150 lều trại. Tại TP Jeremie, hơn 80% số nhà cao tầng bị san bằng trong khi ở tỉnh Sud có 30.000 căn nhà bị phá hủy.
Giới chức y tế Haiti đang lo ngại dịch tả lan rộng khi nguồn cấp nước bị hư hại nặng. Chính phủ Haiti ước tính ít nhất 350.000 người cần được hỗ trợ sau bão. Hội Chữ thập đỏ kêu gọi đóng góp hơn 6,9 triệu USD cứu trợ khẩn cấp cho 50.000 người dân ở Haiti.
Lý giải thiệt hại khủng khiếp nêu trên, đài BBC cho hay hơn phân nửa cư dân thành thị của Haiti sống trong các khu ổ chuột đông đúc và dễ dàng trở thành nạn nhân của thảm họa (động đất, bão, dịch bệnh...). Nạn phá rừng quy mô lớn để lấy than củi dùng thay dầu tại quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu này cũng là một nguyên nhân chủ yếu, theo nguyên cứu của TS Jeff Masters (Mỹ).
Bình luận (0)