Bài xã luận của tờ báo đã lên tiếng chỉ trích việc hàng trăm người tham gia cuộc biểu tình ngồi ở trung tâm Hồng Kông hôm 2-7 và cho rằng hành động này đe dọa đến nền pháp trị của đặc khu hành chính này.
"Nếu không có nền pháp trị, Hồng Kông có thể trở thành một Ukraine hoặc Thái Lan kết tiếp và đủ loại hiện tượng nguy hiểm có thể xảy ra. Những người tổ chức biểu tình thừa nhận hành động của họ có thể trái pháp luật nhưng họ vẫn tiếp tục làm thế" - bài viết cảnh báo.
Cảnh sát tìm cách khống chế người biểu tình ngồi ở Hồng Kông hôm 2-7. Ảnh: AP
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình ngồi ở Hồng Kông hôm 2-7. Ảnh: AP
Cuộc tuần hành đòi dân chủ ở Hồng Kông hôm 1-7. Ảnh: Bloomberg
511 người đã bị bắt giữ vì tham gia cuộc biểu tình ngồi, trong đó có cả chính trị gia đối lập.Tuy nhiên, cảnh sát sau đó đã phóng thích 486 người trong dấu hiệu cho thấy nhà chức trách không muốn mạnh tay với người biểu tình. Một số người biểu tình cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức cần thiết.
Cuộc biểu tình ngồi được xem là đợt diễn tập cho kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lớn hơn nhằm đóng cửa toàn bộ trung tâm tài chính của Hồng Kông của phong trào "Chiếm giữ trung tâm với hòa bình và tình yêu". Mục tiêu của cuộc biểu tình là gây sức ép buộc Bắc Kinh cho phép bầu chọn lãnh đạo của đặc khu hành chính này thông qua một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017.
Cuộc biểu tình ngồi nói trên diễn ra 1 ngày sau khi một cuộc tuần hành đòi dân chủ thật sự cho Hống Kông đã thu hút hàng trăm ngàn người (các nhà tổ chức nói có đến 510.000 người tham gia). Cuộc tuần hành nhằm phản đối sách trắng của Trung Quốc, theo đó khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Hồng Kông.
Bình luận (0)