Hôm 7-1, AP dẫn lời các chuyên gia nhận định việc Mỹ và Iran leo thang căng thẳng sẽ làm giảm triển vọng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phản ứng ban đầu của Bình Nhưỡng về cuộc không kích của Washington là "tỏ ra thận trọng".
Các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã im hơi lặng tiếng trong vài ngày qua. Hôm 6-1, họ mới đưa ra một báo cáo ngắn gọn liên quan đến vụ hạ sát tướng Soleimani nhưng không đề cập tên của người này.
Hãng tin KCNA cũng không đăng tải bất kỳ lời chỉ trích nào nhằm vào Mỹ, thay vào đó nói rằng Trung Quốc và Nga đã lên án cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế Baghdad hồi cuối tuần trước.
Hai ông Donald Trump (phảii) và Kim Jong-un gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018. Ảnh: AP
Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể "ngừng khiêu khích chính quyền Tổng thống Donald Trump" sau vụ hạ sát tướng Soleimani. Nhưng cuối cùng, nước này nhiều khả năng sử dụng cuộc không kích để hợp thức hóa quan điểm của mình, đó là củng cố kho vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Mỹ xâm lược.
Trước đây, Triều Tiên thường lấy cái chết của các nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và Libya Moammar Gadhafi để biện minh cho hành động phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng tin rằng nếu họ còn duy trì vũ khí hạt nhân, không bàn giao chúng cho Washington thì chính quyền của họ vẫn đứng vững.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Dongguk (Hàn Quốc) kiêm cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Koh Yu-hwan, bình luận: "Triều Tiên sớm muộn cũng đề cập đến trường hợp của tướng Solemani. Họ sẽ bảo rằng bản chất đế quốc của Mỹ sẽ không bao giờ thay đổi và không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường răn đe hạt nhân trong khi chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài".
Một số chuyên gia cho biết quyết định không trả đũa vụ Iran đánh chặn UAV giám sát của Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái dường như là lý do để Bình Nhưỡng kết luận rằng họ sẽ không phải sợ hành động quân sự của Washington miễn là tránh đe dọa trực tiếp đến tính mạng người Mỹ hoặc tài sản quan trọng của Mỹ.
Bình luận (0)