Thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Henrique Capriles khẳng định 15 người đã thiệt mạng – bao gồm 1 thủ lĩnh đối lập, 1 ứng viên thân chính phủ và 1 binh sĩ, trong khi công tố viên xác nhận cái chết của 8 nạn nhân. Ít nhất 7 thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia Venezuela cũng bị thương sau các cuộc đụng độ tại thủ đô Caracas.
Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào sáng 30-7 (giờ địa phương), người biểu tình chống chính phủ bắt đầu xuống đường bất chấp lệnh cấm. Đã có những báo cáo về các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên khắp cả nước.
Ít nhất 3 người bị bắn chết ở bang Tachira gồm 2 thiếu niên và 1 binh sĩ. Ngoài ra, thành viên phe đối lập Ricardo Campos trúng đạn và tử vong sau cuộc biểu tình ở thị trấn Cumana, Đông Bắc Venezuela. Ngay trước cuộc bầu cử, José Felix Pineda, một luật sư 39 tuổi, cũng bị bắn chết tại nhà riêng ở bang Bolivar.
Biểu tình khiến một số cảnh sát bị thương. Ảnh: DPA
Vụ nổ gần quảng trường Altamir ở thủ đô Caracas. Ảnh: EPA
Tại thủ đô Caracas, vụ nổ gần cuộc biểu tình khiến một số cảnh sát bị thương và mô-tô đặc chủng bị bốc cháy. Lực lượng an ninh dùng xe bọc thép để trấn áp người biểu tình ở quận El Paraíso, thủ đô Caracas.
Ông Henrique Capriles mô tả 30-7 là "ngày đen tối của Venezuela", đồng thời chỉ trích "tham vọng điên cuồng của Tổng thống Nicolas Maduro". Người đứng đầu phe đối lập tại quốc hội Venezuela Stalin Gonzalez cảnh báo ông Maduro sẽ hối hận về "cuộc bầu cử gian lận" suốt phần đời còn lại.
Theo ông Gonzalez, vài giờ sau khi các phòng phiếu mở cửa, ước tính khoảng 3% trong số 9,4 triệu cử tri (580.000 người) đã đi bỏ phiếu. Tổng cộng 232.000 binh sĩ đã được triển khai để đảm bảo an ninh. Ông Gonzalez cũng nhắc đến cuộc bỏ phiếu độc lập không chính thức hôm 16-7, cho thấy 7,5 triệu người dân Venezuela phản đối việc thành lập hội đồng lập hiến. Hội đồng có quyền viết lại hiến pháp và thay thế cơ quan lập pháp do phe đối lập kiểm soát.
Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào sáng 30-7 (giờ địa phương), người biểu tình chống chính phủ bắt đầu xuống đường bất chấp lệnh cấm. Ảnh: REUTERS
Phó chủ tịch thứ nhất của quốc hội Venezuela Freddy Guevara nói rằng hành động trấn áp nhằm ngăn chăn kế hoạch biểu tình ở đường cao tốc chính phía Đông thủ đô Caracas của chính phủ là hơi quá tay. Liên minh Dân chủ (MUD) trước đó kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu và từ chối gửi ứng viên ứng cử vào hội đồng lập hiến.
Hôm 30-7, Tổng thống Maduro đã bỏ phiếu ở khu phố dành cho tầng lớp lao động Catia, phía Đông thủ đô Caracas cùng với phu nhân Cilia Flores – 1 trong số 5.500 ứng viên (chỉ chọn ra 545 người). "Không có sức mạnh nào trên thế giới có thể ngăn cản người dân Venezuela thực hiện quyền bầu cử. Hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ mở rộng vòng tay và tôn trọng kết quả bầu cử" – ông Maduro nói.
Tuy nhiên, các chính phủ Argentina, Peru, Chile, Brazil và Colombia cho biết họ sẽ không chấp nhận kết quả bỏ phiếu. Trước ngày 30-7, Mỹ cũng trừng phạt 13 quan chức và cựu quan chức Venezuela, đồng thời cảnh báo "nếu quá trình bầu cử sai sót có thể làm suy yếu nền dân chủ của đất nước".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley lên án cuộc bỏ phiếu là "giả dối" và "là một bước tiến tới chế độ độc tài".
Trong khi đó, Venezuela tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) sau khi các thành viên tổ chức này - gồm Mỹ, Canada và Mexico - từ chối công nhận hội đồng lập hiến.
Các cuộc thăm dò mới nhất chỉ ra rằng khoảng 70% người dân Venezuela phản đối cuộc bỏ phiếu, trong khi 2,8 triệu công chức bị ép phải tham gia bầu cử nếu không họ có thể bị sa thải, theo Reuters.
Bình luận (0)