Các thành viên Hội đồng Chuyên gia có thể sẽ bầu chọn người kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei, đã 76 tuổi và sức khỏe giảm sút.
Đây là 2 cuộc bầu cử quan trọng đầu tiên diễn ra sau khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) và lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Theo AP, phe cải cách Iran có khoảng 200 người (trong số 4.844 ứng viên) tranh cử quốc hội với khẩu hiệu “hy vọng, ổn định và kinh tế phồn vinh”. Phe này hy vọng sẽ gia tăng ảnh hưởng của họ tại cả hai cơ quan trên - vốn đang nằm trong tay phe bảo thủ. “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là ngăn chặn những kẻ quá khích kiểm soát quốc hội nhiệm kỳ tới” - nhà hoạt động chính trị Hossein Marashi khẳng định.
Đài BBC nhận định kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử vào năm 2017 của Tổng thống Hassan Rouhani theo đường lối ôn hòa.
Trong quá trình tranh cử, những ứng viên cải cách lập luận thỏa thuận hạt nhân sẽ cải thiện nền kinh tế đang khó khăn và mở cửa nhiều hơn với phương Tây. Trái lại, phe bảo thủ thuyết phục cử tri rằng phe cải cách sẽ làm suy yếu sức kháng cự của Iran đối với những kẻ thù lâu đời. Họ cũng cảnh báo Tổng thống Rouhani sẽ giảm bớt tiền trợ cấp cho người nghèo để bù đắp tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cao.
Kinh tế là một trong những vấn đề được cử tri Iran quan tâm nhiều nhất. Họ hy vọng cuộc sống hằng ngày sẽ tốt hơn khi các nhà đầu tư phương Tây đang trở lại. Phe cải cách và ôn hòa cùng chung chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tạo việc làm cho giới trẻ Iran. Tuy nhiên, phe bảo thủ cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhiều khả năng đến từ hoạt động sản xuất trong nước.
Bình luận (0)