Thay vào đó, một quan chức Pháp cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối thoại về vấn đề đang gây chia rẽ này trong vòng 2 tuần nữa. Đây được xem là bước đi khiêm tốn giữa lúc nhiều đồng minh đang phản ứng chính quyền Tổng thống Donald Trump vì áp đặt thuế lên sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu và có bước đi trả đũa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G7 ngày 8-6. Ảnh: REUTERS
Tại phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị G7, một số nhà lãnh đạo đã trưng ra nhiều dữ liệu về xuất nhập khẩu trong nỗ lực thuyết phục ông Trump đổi ý. Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng đưa ra những số liệu của riêng mình và giữ nguyên quan điểm rằng Mỹ chịu bất lợi về thương mại quốc tế - theo một quan chức theo dõi cuộc gặp.
Tuy nhiên, ông Trump tỏ ra nhã nhặn hơn sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị, khi đánh giá ông chủ Điện Élysée đang giúp tìm giải pháp cho những bất đồng thương mại. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng góp sức khi đề xuất lập "một cơ chế đối thoại và đánh giá chung" để giải quyết tranh cãi thương mại giữa Mỹ và các đồng minh. Theo một quan chức giấu tên, đề xuất này nhận được sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo khác. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề nghị đến Washington để đánh giá quan hệ thương mại EU - Mỹ.
Bất chấp những nỗ lực trên, ít có hy vọng hội nghị kéo dài 2 ngày này sẽ khai thông được bế tắc về vấn đề thương mại. Một quan chức G7 giấu tên nhận định nhiều khả năng hội nghị không đưa ra được tuyên bố chung, nhất là khi giữa ông Trump và 6 nhà lãnh đạo còn lại có quan điểm khác biệt về biến đổi khí hậu, quan hệ với Iran và cuộc xung đột Israel - Palestine.
Đáng chú ý, mối quan hệ với Nga bất ngờ thêm vào danh sách bất đồng sau khi lời kêu gọi G7 tái kết nạp Moscow của ông Trump bị nhiều nhà lãnh đạo khác bác bỏ. Vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận tại hội nghị là nỗ lực giúp ổn định bán đảo Triều Tiên đang được ông Trump theo đuổi, ngay cả khi nhà lãnh đạo này bị chỉ trích vì rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bình luận (0)