Theo báo The Jerusalem Post hôm 21-1, một phát ngôn viên Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga nói rằng Syria dùng các hệ thống phòng không Pantsir và Buk để bắn hạ tên lửa Israel sau khi họ tấn công một hệ thống phòng không Pantsir của nước này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Syria không sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến S-300 được Nga cung cấp. Vào ngày 2-10-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận Moscow đã gửi radar, thiết bị điều khiển và 4 bệ phóng S-300 cho Damascus.
Các hệ thống tác chiến điện tử mới cũng được Nga bàn giao cho Syria, bao gồm hệ thống kiểm soát khu vực gần (50 km) và xa (200 km).
Kể từ thời điểm Syria nhận được S-300, nước này không bị tấn công từ tháng 10 đến cuối tháng 12 năm ngoái. Đến ngày 25-12-2018 và 12-1-2019, truyền thông Syria đưa tin nước này bị không kích và Damascus có khả năng bắn hạ tên lửa của Israel trong vụ tấn công hôm 12-1-2019. Tuy nhiên, hệ thống phòng không S-300 dường như vẫn im hơi lặng tiếng.
Nga bàn giao S-300 cho Syria từ tháng 10-2018 nhưng không thấy nước này sử dụng. Ảnh: Wikimedia
Có người thắc mắc phải chăng người Syria chưa được đào tạo để sử dụng hệ thống phòng không này. Nhưng có vẻ không phải như vậy. Tất cả 3 tiểu đoàn được trang bị S-300 PMU-2 bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 1 năm ngoái, theo truyền thông Syria.
Các chuyên gia kỹ thuật Nga cũng hoàn tất việc cấu hình lại hệ thống S-300, thay thế mã chữ cái và radar của Nga thành mã chữ cái và radar của Syria.
Một chuyên gia biệt danh Tom Cat trên Twitter tiết lộ ưu tiên của hệ thống phòng không Syria là đánh chặn phần lớn tên lửa nhằm giảm thiểu rủi ro về phía dân thường ở các vùng ngoại ô xung quanh. Do vậy, mục đích của Syria không phải là sử dụng hệ thống phòng không để tấn công máy bay chiến đấu Israel.
Mặc dù vậy, tên lửa Syria từng nhắm mục tiêu vào lực lượng Israel trong quá khứ. Vào tháng 3-2017, một tên lửa S-200 của Syria bị tên lửa Arrow của Israel đánh chặn trên thung lũng Jordan. Một tên lửa S-200 khác của Syria cũng từng bắn vào chiến đấu cơ F-16 của Israel khi nó trở về sau một cuộc không kích và bị rơi ở miền Bắc Israel.
Gần đây nhất, một tên lửa Syria hướng về phía Israel bị hệ thống phòng không Israel nhắm mục tiêu vào ngày 26-12-2018.
Hôm 13-1, chuyên gia Tom Cat lập luận rằng S-300 chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ tại các vị trí quan trọng, không phải "phòng thủ điểm". Nói cách khác, Syria không sử dụng S-300 vì đây không phải là hệ thống phù hợp để đối phó với kiểu tấn công của Israel. Nếu Syria chuyển S-300 về phía Nam, nó có thể theo dõi và tấn công máy bay địch.
Những người khác suy đoán Syria chưa được đào tạo đầy đủ về S-300 nên tới tháng 2 năm nay, họ mới sẵn sàng đưa hệ thống phòng không này vào hoạt động. Thêm vào đó, một số cư dân mạng đặt giả thuyết S-300 "không hiệu quả" và nếu nó không hoạt động như kỳ vọng sẽ gây bối rối cho lực lượng Damascus cũng như Moscow.
Báo The New York Times dẫn lời cựu nhân viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Gadi Eisenkot nói rằng chỉ tính riêng trong năm 2018, Không quân Israel đã thả 2.000 quả bom vào Syria, làm tăng mối lo ngại về hệ thống phòng không của Syria.
Năm 2015 và tháng 10-2018, Reuters tiết lộ Israel được cho là đã mượn hệ thống phòng không S-300 của Hy Lạp để diễn tập chống lại hệ thống này.
Bình luận (0)