Bị cắt âm vật tới hai lần, phải làm vợ ở tuổi thiếu nữ, bị chồng đánh đập tàn bạo, cưỡng hiếp triền miên… Khó có thể tin bi kịch man rợ tăm tối như vậy lại đang xảy ra ở xứ sở văn minh như nước Anh.
Phần nổi của tảng băng
Đáng sửng sốt hơn, đó không phải là trường hợp hy hữu. Nạn nhân trong câu chuyện này mới 17 tuổi và sống ở miền Bắc nước Anh. Cô gặp mặt người chồng tương lai tuổi trung niên lần đầu chỉ một ngày trước đám cưới. Đời làm vợ bắt đầu khi cô dâu ở tuổi 16 nhưng chặng đường tới cuộc hôn nhân cưỡng ép này đã manh nha nhiều năm trước.
Lần đầu tiên cầu cứu tới đường dây nóng bí mật của tổ chức từ thiện chống hôn nhân cưỡng ép Karma Nirvana (Anh) hồi năm ngoái, cô gái bất hạnh trải lòng ngay từ khi lọt lòng, cô đã bị đưa tới Somalia và trải qua nghi thức cắt bỏ âm vật không được gây tê, đau đớn đến tận cùng! Sau đám cưới cưỡng ép với người đàn ông xa lạ, cô bị giam trong nhà, bị chồng hành hạ ngay cả trong thời kỳ mang thai. "Sau cuộc gọi đầu tiên, cô ấy gọi lại và nói cô lại bị cắt âm vật lần nữa, lần này theo lệnh của người chồng…" - một chuyên gia tư vấn cấp cao của Karma Nirvana với danh xưng là Alex kể lại.
Các nhà hoạt động tuần hành ở London - Anh phản đối nạn nô lệ hiện đại Ảnh: BARCROFT IMAGES
Đây là một trong những câu chuyện đau đớn và ám ảnh nhất trong số hàng ngàn nạn nhân bị cưỡng hôn và đang sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại ở Anh. Day dứt hơn nữa là số phận của nạn nhân không rõ đã đi về đâu khi các chuyên gia tư vấn của Karma Nirvana không còn liên lạc được với cô. Riêng năm 2017, Karma Nirvana nhận 8.870 cuộc gọi, trong đó hơn 200 cuộc gọi từ những nạn nhân dưới 15 tuổi và đưa ra lời khuyên cho 8 bé gái dưới 10 tuổi. Trong giai đoạn 2014-2016, tổ chức này nhận 22.030 cuộc gọi từ các cá nhân và tổ chức liên quan tới vấn đề cưỡng hôn.
Theo điều tra mới công bố cuối tháng 5 của báo The Guardian, cảnh sát Anh nhận được trình báo tổng cộng hơn 3.500 vụ cưỡng hôn trong hơn 3 năm qua trong khi các tổ chức từ thiện cảnh báo còn hàng ngàn nạn nhân khác đang bị đày đọa tương tự trên khắp nước này. Các chuyên gia cảnh báo những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo các chuyên gia của Karma Nirvana, không ít nạn nhân không dám trình báo. Có người lo sợ giới chức trách không tin, có người bị chính gia đình ruột thịt ép cắn răng chịu đựng hôn nhân để tránh làm họ nhục nhã. Nhiều trường hợp mắc kẹt trong cuộc sống nô lệ hiện đại vì là dân nhập cư sợ bị trục xuất. Ngoài ra, có những nạn nhân mất nhiều thời gian mới trình báo do không biết tiếng Anh…
Những nạn nhân sống sót nói rằng số phận của họ là nô lệ thời hiện đại và thủ phạm của những tội ác này phải bị trừng trị trước pháp luật. Cùng quan điểm, giới chuyên gia khẳng định cần phải điều tra đến nơi đến chốn tội ác này và truy tố kẻ thủ ác theo khung pháp lý về nô lệ hiện đại. Có điều cưỡng hôn vẫn chưa được liệt vào loại hành động liên quan tới nô lệ hiện đại theo cơ chế tham chiếu do Văn phòng Nội vụ của chính phủ Anh đưa ra. Luật pháp nước này cũng chưa có hướng dẫn truy tố liên quan tới cưỡng hôn và tội ác nô lệ.
Cần luật pháp vào cuộc
Chưa tính tới "phần chìm của tảng băng", những con số mới nhất hé lộ ở trên đã đủ báo động. Ấy vậy mà tới ngày 23-5 vừa qua mới xuất hiện bản án đầu tiên đối với tội cưỡng ép hôn nhân tại đất nước sương mù. Tòa án ở TP Birmingham đã kết án một người mẹ 4,5 năm tù giam vì lừa cô con gái 17 tuổi về Pakistan để ép kết hôn. Người mẹ thậm chí còn dọa đốt hộ chiếu của cô gái nếu không chịu kết hôn với gã đàn ông địa phương gấp đôi tuổi mình - kẻ từng khiến cô mang bầu khi mới 13 tuổi!
Karma Nirvana cho hay đây là trường hợp điển hình mà họ gần như tiếp xúc mỗi tuần từ các nạn nhân gọi tới cầu cứu. Tuy vụ việc được đưa ra xét xử nhưng trên thực tế, theo luật sư kiêm cố vấn hàng đầu của Liên Hiệp Quốc Parosha Chandran, nếu người mẹ nêu trên bị xét xử theo Đạo luật Nô lệ hiện đại 2015, bà ta không chỉ chịu án nặng hơn mà còn phải bồi thường cho cô con gái vì để bé bị cưỡng hiếp ở tuổi 13 và buộc phải cưới thủ phạm.
Theo tờ Pakistan Today, các vụ kết hôn cưỡng ép giữa người Pakistan và người Anh đứng đầu danh sách kiểu kết hôn sai trái này tại Anh. Cơ quan chức năng Anh cho biết trong số 1.100 trường hợp kết hôn cưỡng ép ghi nhận trong năm 2017, có tới 439 trường hợp có liên quan đến công dân Pakistan. Tiếp theo lần lượt là Bangladesh với 129 trường hợp và Somalia là 91 trường hợp.
Các chuyên gia cố vấn các tổ chức từ thiện chống cưỡng hôn cho hay thường gặp những vụ như vậy với phụ nữ đến từ Bắc Phi, Trung Đông hoặc Đông Nam Á. Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể không rơi vào bi kịch cưỡng hôn nhưng cũng chìm nổi không kém với cuộc sống nơi đất khách. Họ là những cô gái tị nạn trốn chạy khỏi quê hương để thoát nạn lạm dụng tình dục nhưng ngay cả khi đặt chân tới miền đất hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn như nước Anh, cơn ác mộng đó vẫn tiếp tục. Sợ bị trục xuất là nguyên nhân chủ yếu khiến họ không dám lên tiếng với cảnh sát.
Đài BBC (Anh) hồi tháng 4 gây rúng động khi đăng tải câu chuyện của một nạn nhân như vậy đến từ Tây Phi. Ở quê nhà, nạn nhân - chỉ được tiết lộ tên là Grace - đã bị đày đọa trong cuộc sống hôn nhân ép uổng với người đàn ông đáng tuổi cha mình. Tìm đường tới nước Anh nhưng trong suốt 20 năm giúp việc cho hơn một chục gia đình ở đây, gần như ở nhà nào, Grace cũng bị lạm dụng tình dục! "Tôi không phải là người duy nhất. Nhiều phụ nữ khác cũng giống tôi" - nạn nhân khắc khoải.
Bình luận (0)