Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết Exxon Mobil Corp đã "xem nhẹ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga vào năm 2014", quãng thời gian Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn làm giám đốc điều hành của công ty này.
Sau đó, hôm 20-7, Exxon Mobil Corp nộp đơn kiện chính phủ Mỹ với lý do khoản tiền phạt sẽ gây tác động (dù không đáng kể) tới công ty. Hồi năm ngoái, Exxon Mobil Corp kiếm được 7,84 tỉ USD tiền lãi.
Cách đây vài tuần, Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow về vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Hiện các quan chức Mỹ đang xem xét các giao dịch mà Exxon Mobil Corp ký kết với Rosneft – nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước Nga. Từ ngày 14-5 đến ngày 23-5-2014, Exxon Mobil Corp đã ký kết 8 văn bản với người đứng đầu tập đoàn Rosneft Igor Sechin, theo Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa), Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin (trái) và Giám đốc điều hành Exxon Mobil Corp Rex Tillerson tham dự buổi ký hợp đồng tại thị trấn Tuapse - Nga vào ngày 15-6-2012. Ảnh: REUTERS
OFAC cho biết các hợp đồng được ký kết chỉ vài tuần sau khi Mỹ liệt ông Sechin vào danh sách đen, cho thấy Exxon Mobil Corp đã "phớt lờ lệnh trừng phạt của Washington".
Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt "sếp sòng" của Rosneft vào tháng 4-2014 do ông "thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin". Các biện pháp trừng phạt cấm công dân hoặc thường trú nhân Mỹ giao dịch với những người nằm trong danh sách đen như ông Sechin.
Trong một tuyên bố, Exxon Mobil Corp nói rằng hành động của OFAC là "không công bằng" và đã kiện lên tòa án bang Texas. Công ty này đặt trụ sở tại TP Irving, bang Texas.
Người phát ngôn của Exxon Mobil Corp, Alan Jeffers, khẳng định công ty "hoàn toàn tuân thủ các hướng dẫn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và mọi hoạt động kinh doanh dầu khí với Rosneft đều được cho phép".
Ông Tillerson rời Exxon Mobil Corp hồi cuối năm ngoái và hiện trở thành ngoại trưởng Mỹ. Vào tháng 1, ông tuyên bố sẽ rút khỏi những vấn đề liên quan đến công ty cũ trong vòng 1 năm sau khi mình từ chức.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đóng vai trò chính trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhưng cơ quan này không có vai trò quyết định mức phạt đối với Exxon Mobil Corp vì nó thuộc thẩm quyền của OFAC, theo giới chuyên gia.
Exxon Mobil Corp từ lâu đã phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga với lập luận rằng chúng gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ và mang lại lợi ích cho các đối thủ châu Âu.
Bình luận (0)