Tại miền Nam nước Pháp, theo đài Al Jazeera, ít nhất 2 người đã thiệt mạng ngày 18-8 trong đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đối mặt trong hè này.
Tại Ý, lực lượng cứu hỏa đến giờ đã chiến đấu với hơn 500 đám cháy ở các khu vực Sicily và Calabria. Còn tại miền Bắc, các lực lượng khẩn cấp của Ý đang được điều động để đối phó với lũ lụt và mưa bão.
Nước Ý có lý do để lo lắng sau khi chứng kiến thảm họa mưa lũ hồi tháng 7 tàn phá một số nước châu Âu và khiến ít nhất 165 người thiệt mạng. Trong số này, nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Lính cứu hỏa chiến đấu với một đám cháy ở vùng Var - Pháp hôm 18-8 Ảnh: REUTERS
Những hiện tượng thời tiết cực đoan như trên nhiều khả năng xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Kênh Sky News dẫn dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các đám cháy ở Bắc Bán Cầu trong mùa hè này đã thải ra lượng CO2 khổng lồ.
Theo giới chuyên gia, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cháy rừng cực đoan và ngược lại, các đám cháy đang thải ra lượng lớn khí nhà kính đe dọa làm trái đất nóng lên. Chuyên gia William Baldwin-Cantello của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), mô tả cháy rừng và biến đổi khí hậu là "một sự kết hợp có sức phá hủy mạnh mẽ".
Tại Mỹ, vụ cháy rừng có tên gọi Dixie ở phía Bắc bang California vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kể từ khi bùng phát vào giữa tháng 7, Dixie đã lan rộng ra hơn 253.000 ha tính đến ngày 17-8 và lực lượng cứu hỏa chỉ mới kiểm soát được khoảng 31% đám cháy được xem là lớn thứ 2 lịch sử California này.
Lực lượng cứu hỏa chiến đấu với đám cháy Dixie ở quận Lassen, bang California - Mỹ hôm 17-8. Ảnh: AP
Trong khi đó, những cơn gió khô hanh trên khắp phía Bắc California đã tạo điều kiện thuận lợi cho đám cháy tên Caldor ở phía Đông TP Sacramento lan rộng từ 2.630 ha lên hơn 21.730 ha chỉ trong ngày 17-8, gây thiệt hại nặng nề cho thị trấn Grizzly Flats. Tổng cộng, theo trang Bloomberg, có 12 đám cháy dữ dội đang tàn phá California, buộc 31.000 người phải sơ tán.
Báo The New York Times nhận định thảm họa thời tiết cực đoan ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ nêu bật một thực tế rằng ngay cả những quốc gia giàu có nhất cũng chưa sẵn sàng cho hậu quả ngày một thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed nhấn mạnh mặc dù không tác động đồng đều đến các nước, chuỗi sự kiện thời tiết bi thương gần đây là một lời nhắc nhở rằng không một quốc gia và vùng lãnh thổ nào có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu, dù là một quốc đảo nhỏ như Maldives hay một quốc gia phát triển ở Tây Âu.
Sạt lở sau mưa lũ phá hủy nhiều căn nhà tại khu vực Laglio ở miền Bắc nước Ý hồi cuối tháng 7. Ảnh: REUTERS
Một câu hỏi quan trọng lúc này là thảm họa gia tăng ở các nước phát triển sẽ tác động ra sao đến chuyện cắt giảm khí phát thải của các quốc gia, công ty hàng đầu thế giới.
"Những sự kiện thời tiết cực đoan ở các quốc gia đang phát triển thường gây tổn hại nặng nề về vật chất và tính mạng. Tuy nhiên, chúng bị xem là trách nhiệm của chúng tôi, không liên quan đến hàng trăm năm phát thải khí nhà kính của các quốc gia công nghiệp. Những thảm họa ngày càng tồi tệ này giờ đây bắt đầu tấn công những quốc gia giàu hơn" - bà Ulka Kelkar, Giám đốc khí hậu tại Văn phòng Ấn Độ của Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ), nhận định.
Bình luận (0)