Trang The Drive (Mỹ) hôm 11-4 đưa tin sau khi tập trận ở vùng biển phía Đông Đài Loan trong khoảng 1 tuần, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã đi về phía Nam vào biển Đông, nơi một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tổ chức tập trận 1 ngày trước đó.
Các hình ảnh vệ tinh thương mại Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào biển Đông hôm 10-4.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhóm tàu sân bay Trung Quốc đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako hôm 3-4, dường như trong lúc tập trận ở vùng biển phía Đông Đài Loan. Sau đó, hôm 5-4, một phát ngôn viên của PLAN xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành tập trận gần Đài Loan như một phần của cuộc huấn luyện thường niên.
Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Reuters
Liêu Ninh không phải là tàu sân bay duy nhất hoạt động ở biển Đông gần đây. The Drive dẫn một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ cũng vừa tiến hành cuộc tập trận phối hợp trong khu vực hôm 9-4.
Hiếm khi các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc tập trung cùng khu vực ở biển Đông. Động thái của PLA được coi là phản ứng đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ. Giới chuyên gia quân sự nhận định Bắc Kinh sẽ tăng cường các cuộc tập trận như vậy trong tương lai.
Cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh được Nhật Bản và Mỹ quan sát chặt chẽ. Các nhà phân tích cho biết một tàu khu trục lớp Alreigh Burke của hải quân Mỹ đã theo dõi nhóm tàu sân bay Trung Quốc khi chúng đi về phía Tây của biển Đông.
Tiêm kích F-35B cất cánh (2 ảnh trên) và hạ cánh (ảnh dưới) xuống tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island ở biển Đông hôm 8-4. Ảnh: Thuỷ quân Lục chiến Mỹ
Hôm 11-4, Mỹ công bố một bức ảnh cho thấy tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh, được cho là gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Bức ảnh được chụp trên biển Hoa Đông. Thuyền trưởng tàu USS Mustin, chỉ huy Robert J Briggs, và cấp phó Richard D Slye đang quan sát tàu Liêu Ninh ở khoảng cách vài km.
"Trong bức ảnh, chỉ huy Briggs trông rất thoải mái khi nhìn tàu Liêu Ninh chỉ cách đó vài km, trong khi cấp phó của ông ấy ngồi bên cạnh. Điều đó cho thấy họ xem nhẹ PLA. Bức ảnh này nhằm cho thấy Mỹ không coi PLA là mối đe dọa tức thời" - cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan Lu Li-shih nói với báo South China Morning Post.
Các chỉ huy quân sự Mỹ quan sát nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: South China Morning Post
Trong khi đó, một tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc là Sơn Đông - đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 - đang cập cảng tại Tam Á, tỉnh Hải Nam - Trung Quốc, ngưỡng cửa biển Đông.
Các cuộc tập trận hải quân của cả Mỹ lẫn Trung Quốc dẫn đến một số lượng lớn tàu chiến tập trung ở biển Đông vào thời điểm căng thẳng ngoại giao leo thang vì lo ngại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Bình luận (0)