Trang điện tử của Quân đội Trung Quốc hôm 26-2 đưa tin nước này đã tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bức ảnh vệ tinh được trang tin trên trích dẫn cũng cho thấy Bắc Kinh đang cải tạo trên 6 bãi đá ngầm thuộc Trường Sa. Ngoài ra, binh lính Trung Quốc còn diễn tập chống đổ bộ, chống hạ cánh và bảo vệ công tác san lấp cải tạo rạn san hô ở đây dịp Tết vừa qua.
Đây là sự thừa nhận hiếm hoi của Bắc Kinh đối với hành động đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 26-2, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định Trung Quốc đang mở rộng trái phép các tiền đồn trên biển Đông để neo đậu tàu thuyền và có thể xây dựng các sân bay trong nỗ lực gây hấn nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
"Mặc dù đang tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Mỹ nhưng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực để theo đuổi lợi ích riêng, đặc biệt về vấn đề chủ quyền biển" - ông Clapper nhấn mạnh. Ông cũng chỉ trích “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc đơn phương đặt ra là “đòi hỏi quá đáng”. Theo hãng tin AP, bình luận của ông Clapper nêu bật mối quan ngại của Washington đối với các hoạt động cải tạo trái phép nói trên của Bắc Kinh.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 15-11-2014 cho thấy Trung Quốc cải tạo,
xây dựng trái phép trên bãi đá Châu Viên. Ảnh: CSIS
Cũng tại cuộc điều trần, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, công bố những hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy quá trình Trung Quốc mở rộng bãi đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa trong năm qua. Theo ông McCain, động thái mở rộng này cho phép Bắc Kinh triển khai các loại vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không và những khí tài khác.
Đề cập vấn đề này, ông Clapper cho biết Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nên chưa rõ nước này có thể triển khai vũ khí hoặc lực lượng đến khu vực hay không. Tuy nhiên, ông Clapper nhấn mạnh hoạt động của Trung Quốc trong 1,5 năm qua cùng với việc triển khai giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam là "xu hướng đáng lo ngại".
Câu chuyện biển Đông cũng làm nóng cuộc họp diễn ra cùng lúc ở phía bên kia đồi Capitol của Tiểu ban Chi tiêu Quốc phòng Hạ viện Mỹ khi ông Rodney Frelinghuysen - người đứng đầu tiểu ban này - chất vấn Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, về vấn đề cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Ông Frelinghuysen cảnh báo Trung Quốc đã có những động thái thách thức Mỹ trên biển Đông.
Trong một diễn biến cho thấy điều này, Trung Quốc vừa bác bỏ yêu cầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc ngừng hoạt động xây dựng “gây bất ổn” ở biển Đông. Yêu cầu này được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 2, theo tiết lộ của trang tin Washington Free Beacon (Mỹ) hôm 26-2.
Cũng trong ngày 26-2, hãng tin Reuters dẫn thông cáo của hải quân Mỹ cho hay máy bay do thám tối tân nhất của nước này là P-8A Poseidon đã được triển khai ở Philippines trong 3 tuần, tính đến ngày 21-2 và thực hiện hơn 180 giờ tuần tra trên biển Đông.
Theo lời đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn của lực lượng vũ trang Philippines, hải quân Mỹ từng triển khai máy bay trinh sát P-3C Orions từ các căn cứ ở Philippines vào năm 2012 theo một thỏa thuận an ninh song phương. Đến năm 2014, các máy bay P-3C Orions được thay thế bằng P-8A Poseidon.
Nhật Bản - Philippines muốn tập trận chung
Đô đốc Tomohisa Takei, Tư lệnh lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF), kết thúc chuyến thăm Philippines 4 ngày hôm 26-2. Theo trang tin MarineLink.com, mục đích của chuyến thăm là thăm dò khả năng tương tác giữa hải quân 2 nước trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương được ký cuối tháng 1-2015. Ngoài việc leo thang tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông, Bắc Kinh còn đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát ở biển Hoa Đông.
Trong chuyến thăm nói trên, ông Takei và tướng Virgilio Doming, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, đã thảo luận những thách thức hàng hải tại biển Đông, đồng thời bày tỏ mối quan tâm chung đến việc cùng tập trận hải quân trong tương lai.
Phó đô đốc Jesus Millan, Tư lệnh Hải quân Philippines, tiết lộ thêm 2 bên đã bàn về những biện pháp tăng cường sức mạnh hàng hải, tập trung vào việc huấn luyện, hỗ trợ kỹ thuật, tham vấn và tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của tàu hải quân hai nước.
Phương Võ
Bình luận (0)