Tuy nhiên, ở cương vị giám đốc Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil Corp. từ năm 2006, ông Tillerson đã quen thuộc với điểm nóng biển Đông do quan hệ làm ăn với những nước có liên quan đến tranh chấp ở đó. “Quan hệ Mỹ - Trung là một trong những vấn đề cần được theo dõi sát sao trong mấy tháng đầu tiên của chính quyền mới ở Mỹ” - ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), gợi ý.
Theo trang Bloomberg, với kinh nghiệm hơn 1 thập kỷ tiếp xúc các công ty nhà nước và lãnh đạo Trung Quốc, ông Tillerson được kỳ vọng sẽ đem lại cái nhìn khác về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Tập đoàn Exxon từ chối cho biết liệu ông Tillerson có quan điểm cá nhân nào đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông hay không. Trước đây, doanh nghiệp này từng cho rằng tốt nhất là để các chính phủ giải quyết vấn đề chủ quyền. Thế nhưng, khi được chính thức ngồi vào ghế ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson khó tránh viễn cảnh phải có lập trường rõ ràng về vấn đề biển Đông.
Trong lúc này, căng thẳng Trung - Mỹ về biển Đông có thể tiếp tục tăng sau khi hình ảnh mới chụp từ vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã tăng cường quân sự hóa toàn bộ 7 đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở biển Đông. Dựa trên kết quả phân tích số ảnh này, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) hôm 14-12 cho biết Trung Quốc dường như đã triển khai các loại vũ khí, trong đó có những hệ thống chống tên lửa và chống máy bay trên tất cả đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) nói trên.
Đối mặt làn sóng chỉ trích của dư luận, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15-12 ngang nhiên bao biện những gì mình làm ở đó là “hợp pháp”. Trước đó một ngày, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo Washington sẵn sàng đối đầu Bắc Kinh nếu Trung Quốc tiếp tục có tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Bình luận (0)