Vụ việc xảy ra ở bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ và được biết đến rộng rãi sau phiên tòa hồi tháng 1 năm nay. Theo trang Independent, toà phân xử hai gia đình có thể đổi con lại cho nhau nhưng chính những đứa trẻ đã từ chối trở về với cha mẹ ruột.
Nghi ngờ ngay từ đầu
Salma Parbin nói cô nghi ngờ Jonait không phải con trai mình ngay từ lần đầu tiên nhìn vào mặt đứa trẻ được sinh ra 3 năm trước tại bệnh viện dân sự Mangaldai ngày 11-3-2015.
"Khi tôi nhìn vào khuôn mặt của nó, tôi đã nghi ngờ. Tôi nhớ khuôn mặt của người phụ nữ kia trong phòng sinh và nó giống cô ấy. Tôi có thể nhận ra đôi mắt của nó nhỏ. Không ai trong gia đình tôi có đôi mắt như vậy" - cô Parbin nói với đài BBC.
Dù ban đầu không tin, anh Shahabuddin Ahmed vẫn thông báo với bệnh viện về những nghi ngờ của vợ. Tuy nhiên, quản lý tại đây đã bác bỏ và đề nghị vợ anh Ahmed nên đi kiểm tra tâm thần.
Vẫn còn nghi ngờ, người cha yêu cầu bệnh viện cung cấp thông tin liên quan đến tất cả em bé sinh vào 7 giờ sáng cùng ngày Jonait chào đời.
Cô Parbin và con trai Jonait. Ảnh: Independent
Sau khi nhận được thông tin của 7 bà mẹ, anh Ahmed chú ý tới một phụ nữ sinh con trai cách vợ mình khoảng 5 phút. Cả hai đứa trẻ đều có cùng cân nặng. Cặp vợ chồng có đứa con trai này được xác định là Anil và Shewali Boro.
Đến tìm con nhưng không dám vào nhà
Ahmed kể anh 2 lần đến ngôi làng mà vợ chồng kia sinh sống, cách nhà anh khoảng 30 km, nhưng không đủ dũng khí vào nhà họ. "Thế là tôi viết thư gửi họ, nói cho họ biết mối nghi ngờ của chúng tôi. Tôi để lại số điện thoại, bảo họ hãy gọi tôi" - Ahmed nhớ lại.
Gia đình anh Anil và Shewali Boro hoàn toàn không nghi ngờ cậu bé Riyan Chandra không phải là con mình - ngay cả sau khi nhận bức thứ trên. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi hai gia đình gặp nhau.
Boro kể rằng lần đầu tiên nhìn thấy Jonait, cô đã "buồn và bật khóc" vì cậu bé quá giống chồng mình.
"Chúng tôi thuộc bộ tộc Bodo. Chúng tôi không giống người Assam hay người Hồi giáo. Đôi mắt của chúng tôi xếch lên, má và bàn tay của chúng tôi vồng lên nhiều hơn. Chúng tôi có nhiều đặc điểm giống người Mông Cổ" - cô Boro nói.
Salma Parbin cũng vậy, vừa nhìn thấy Riyan, cô đã biết ngay đó là con mình và muốn đổi con ngay lập tức. Tuy nhiên, mẹ của anh Boro phản đối kịch liệt.
Bé Riyan luôn theo sát người mẹ không phải ruột rà Shewali Boro. Ảnh: BBC
Theo đề nghị của anh Ahmed, bệnh viện phải điều tra lại vụ việc nhưng cuối cùng vẫn phủ nhận họ nhầm lẫn. Tranh cãi qua lại hàng tháng trời, đến tháng 8-2015, anh Ahmed gửi mẫu máu của vợ và bé Jonait đi xét nghiệm ADN và phải tới cuối năm 2017, kết quả mới chứng nhận giữa họ không có quan hệ huyết thống.
Quyến luyến không nỡ rời
Kết quả đã có song phía bệnh viện vẫn quả quyết nó không có giá trị pháp lý. Ahmed liền đem vụ việc ra tòa vào tháng 12-2017.
Còn cô Parbin chia sẻ: "Thẩm phán nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi muốn đổi con, chúng tôi có thể làm điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ không làm vậy. Bởi vì chúng tôi đã nuôi chúng suốt 3 năm qua, chúng tôi không thể để chúng đi".
Về phần mình, anh Anil Boro nói đổi con khi còn quá nhỏ sẽ khiến chúng tổn thương. Rõ ràng hai đứa trẻ đều cực kỳ gắn bó với gia đình đã nuôi nấng mình. Trong khi Riyan theo sát cô Shewali Boro không rời thì Jonait cũng như "mọc rễ trong gia đình Parbin. "Ngày chúng tôi ra tòa để yêu cầu đổi con, cô con gái 8 tuổi năn nỉ: 'Mẹ đừng cho em đi. Em đi con sẽ chết'".
Hai gia đình sau đó quyết định giữ lại những đứa trẻ dù không phải ruột rà máu mủ, ít nhất là cho tới khi chúng lớn hơn và tự quyết định. Còn lúc này, hai nhà trở thành bạn bè để đảm bảo các em không thiếu vắng tình cảm từ cha mẹ ruột.
Vợ chồng anh Shahabuddin Ahmed và Salma Parbin biết Jonait không phải con mình nhưng cũng không nỡ rời xa. Ảnh: BBC
Bình luận (0)