Ông al-Sayyed thừa nhận: “Tôi phản đối và lên án những gì con trai tôi đã làm. Trước đây tôi đã nói và bây giờ tôi lại từ con một lần nữa dù là nó đã chết”.
Tuyên bố của ông Al-Sayyed là minh chứng cho sự sụp đổ tính ổn định của gia đình Syria trong suốt 22 tháng xung đột và đã biến thành cuộc nội chiến với hơn 60.000 người thiệt mạng.
Ông al-Sayyed nhấn mạnh: “Quê hương đứng trên tất cả mọi con người và chức tước, mối quan hệ. Thậm chí cảm xúc của con người chẳng có nghĩa lý gì khi đặt cạnh dân tộc. Khi phải chọn lựa giữa chủ nghĩa khủng bố và quê hương, người bộ trưởng luôn luôn chọn quê hương và từ bỏ bất cứ ai muốn làm điều sai trái đối với quốc gia, kể cả đó là con trai mình”.
Các binh sĩ Syria đào ngũ theo quân nổi dậy. Ảnh: CSM
Chàng trai trẻ Bassim al-Sayyed đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng anh gia nhập hàng ngũ những người biểu tình vào đầu cuộc nổi dậy năm 2011. Sau đó, anh ta tham gia tổ chức Quân đội Syria tự do (FSA) và đã tử trận vào cuối năm 2012.
Theo đoạn video tải lên trang Facebook của phe đối lập, những người dự đám tang Bassim ngày 30-12-2012 đã lớn tiếng ca ngợi anh. Đoạn video cho biết Bassim chết trong trận chiến giành học viện cảnh sát ở Sarmada, một thành phố phía Bắc Syria.
Thế nhưng, người cha bộ trưởng khăng khăng Bassim gia nhập với bọn khủng bố muốn phá tan đất nước này bởi vì anh bị kẻ thù tẩy não.
Người tị nạn Syria ở trại Zaatari, Jordan xếp hàng nhận đồ tiếp tế. Ảnh: UNHCR
Riêng trong ngày 8-1, số người chết ở Syria là 124, trong đó 47 ở Idlib và 35 ở Damascus và các vùng lân cận.
Trong một diễn biến liên quan đến Syria, bên kia biên giới Jordan, những người tị nạn Syria đã bắt đầu bồn chồn, không yên khi những cơn mưa nặng hạt rơi xuống và phá vỡ cuộc sống tạm bợ của họ. Nước, cát và bùn đã tràn vào lều trại, còn người tị nạn rất cần được tiếp tế những vật dụng cần thiết, như chăn màn và thuốc men.
Đã xảy ra bạo động tại trại tị nạn Zaatari dù nhà điều phối cao cấp của Liên Hiệp Quốc Marin Kajdomcaj cho rằng đó chỉ là biểu hiện của sự bất mãn.
Tuần trước, UNICEF đã công bố bản báo cáo về sự ảnh hưởng của mùa đông đối với trẻ em Syria tại các trại tị nạn. Người tị nạn Syria phải gánh chịu tình cảnh bệnh tật, như tiêu chảy, hoặc thiếu nước nóng để tắm, quần áo mùa đông, chăn mền và thực phẩm.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho biết người Syria tị nạn ở Iraq, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã qua 540.000 và có thể vượt con số 1 triệu vào cuối năm nay.
Bình luận (0)