Giây phút cán đích cuộc thi marathon Boston lâu đời nhất thế giới, đau đớn thay, lại trở thành thời khắc cuối cùng nhiều người được chạy trên đôi chân của mình. Hai vụ nổ bom liên tiếp đã biến vạch đích hân hoan thành chiến địa đau thương.
Ác mộng giữa ngày vui
Hình ảnh ám ảnh nhất đóng đinh vào đầu các nhân chứng chính là những mảnh chân tay người đứt lìa! “Họ vừa kết thúc cuộc đua và liền đó họ không còn chân nữa. Nhiều người mất chân lắm. Máu vương khắp nơi. Thật kinh khủng!” - lời kể thốt ra từ miệng Roupen Bastajian, 35 tuổi, một cảnh sát chính phủ và là cựu lính thủy đánh bộ. Chỉ cần chậm vài sải chân thôi, anh Bastajian đã trở thành một trong số người đau đớn đó.
Những gì Deirdre Hatfield, 27 tuổi, chứng kiến đáng sợ không kém. Cô thấy những thi thể người bị hất tung lên. Cô thấy vài em bé nằm không sinh khí trên mặt đường.
Bé trai Martin Richard 8 tuổi thiệt mạng trong vụ đánh bom
Ảnh: DAILY MAIL
Những kẻ đánh bom đã chọn đúng cao điểm dòng người nối nhau về đích trên đường Boylston. Trong số 3 nạn nhân thiệt mạng, nhỏ nhất là cậu bé 8 tuổi Martin Richard đến từ Dorchester (bang Massachusetts).
Tờ Boston Globe viết Martin chạy ra vạch đích đón cha vừa về tới và dành cho ông một cái ôm ấm áp. Cậu bé vừa chạy lại ăn mừng cùng mẹ và 2 người chị em khác thì bom nổ. Mẹ của Martin cũng bị thương nặng, còn em gái cậu bị mất chân!
May thay, giữa lúc thành phố Boston rúm ró vì nỗi đau và hoảng sợ vẫn còn câu chuyện kỳ diệu của cụ Bill Iffrig. Những hình ảnh từ hiện trường đã ghi lại được cảnh tượng ông cụ 78 tuổi này khụy xuống khi tiếng nổ vang lên. Tuy nhiên, cụ gượng đứng dậy với sự trợ giúp của các nhân viên phục vụ đường đua và cố gắng về đích thành công với thành tích 4 giờ 3 phút 47 giây. “Tôi bị quật ngã khi còn cách đích gần 5 m” - cụ Iffrig kể lại.
Thế nhưng, ông cụ bướng bỉnh không nghĩ đến gì khác ngoài việc về đích. “Tôi đã chạy gần 42 km rồi. Tôi không thể dừng ở đó” - ông cụ chia sẻ với đài CNN. Rất may, cụ Iffrig chỉ bị xước đầu gối và sau khi được chăm sóc, cụ đã tự đi bộ về khách sạn cách hiện trường gần 1 km.
Cụ Bill Iffrig quỵ xuống khi tiếng nổ vang lên
Ảnh: AP
Xả thân cứu người
Bên cạnh nghị lực không gục ngã của cụ Iffrig, một hình ảnh biểu tượng khác của Boston trong ngày 15-4 chính là Carlos Arredondo, người đàn ông đội mũ cao bồi. Nhảy qua hàng rào ngay sau vụ nổ đầu tiên, đôi bàn tay nhuốm đầy máu của ông Arredondo xốc vội một chàng trai trẻ lên xe lăn. Vừa cố gắng cầm máu, ông Arredondo luôn miệng trấn an nạn nhân.
Arredondo không cố tỏ ra là anh hùng, ông chỉ là một người cha tan nát cõi lòng. Năm 2004, người con lớn Alexander Arredondo chết trận ở Iraq. Khi quân đội Mỹ cử người đến báo tin, đúng vào sinh nhật lần thứ 44 của Arredondo, ông đã túm lấy một can xăng, nhảy lên chiếc xe tải chở những người đưa tin và châm lửa đốt. Hãng tin AP viết Arredondo bị phỏng nặng khi ấy. Mất mát khiến em trai của Alexander là Brian sụp đổ. Đến tháng 12-2011, Brian treo cổ, kết liễu cuộc sống giữa lúc Mỹ đang rút quân khỏi Iraq - nơi mà anh cậu nằm xuống.
“Rất nhiều người Mỹ đã phục vụ và hy sinh vì lợi ích của chúng ta mỗi ngày, không cần quan tâm tới sự an toàn của chính họ, trong các tình huống nguy hiểm và khó khăn. Và chúng tôi xin được tôn vinh tất cả!” - Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sau vụ nổ.
Ông Arredondo lao vào cứu nạn nhân ngay sau tiếng nổ đầu tiên. Ảnh: AP
Bình luận (0)