Ông Johan Franklin, đến từ Đức nhưng làm việc ở TP San Diego, bang California, hôm 4-11 gửi một bức thư ngỏ tới người dân Mỹ trên mạng xã hội. Ông cho biết người Đức tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu dân Mỹ bỏ phiếu cho “gã to miệng”, người “đe dọa bỏ tù các đối thủ của mình nếu đắc cử” (chỉ ông Trump).
Sau đó, ông Franklin so sánh chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng hòa với cách trùm phát xít Đức Adolf Hitler đạt được quyền lực vào những năm 1930.
Trả lời phỏng vấn đài BCC, ông Franklin nói: “Tôi biết so sánh ông Trump với Hitler là khá thô thiển. Nhưng bất kể Trump nói và làm gì (thực chất là không làm được gì nhiều), mọi người vẫn tập hợp đằng sau ông ta”.
“Tôi cảm thấy rất sợ mỗi khi cố gắng nói chuyện với những người ủng hộ ông Trump, trong mối quan hệ giữa tôi và các đồng nghiệp. Tôi bắt đầu nhìn thấy sự tương đồng về những điều ông bà tôi và một số người khác kể rằng (chiến dịch tranh cử của ông Trump) giống hệt những gì đã xảy ra ở Đức vào những năm 1930”.
Thư gửi người Mỹ của ông Franklin. Ảnh: BBC
Sau khi bức thư được một người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chia sẻ và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, Franklin giải thích tại sao ông lại so sánh như vậy: “Dù ý kiến của tôi không đại điện cho toàn bộ người dân Đức nhưng tôi muốn nhấn mạnh nó nhắc nhở chúng ta về những gì đã xảy ra ở đây. Tất nhiên không thể so sánh Trump hoặc bất cứ ai với con quái vật Hitler. Nhưng tôi nhìn thấy rất nhiều điểm tương đồng trong cách Trump và Hitler tìm cách đạt được quyền lực”.
Ông Franklin, một nhà tư vấn công nghệ thông tin, thường xuyên di chuyển giữa Hamburg – Đức và California – Mỹ, cho biết ông đăng bức thư “Người Mỹ thân mến” vì lo ngại bầu không khí thù hằn xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như các cuộc tranh luận bàn về chúng nổ ra trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Nói về bản chất của những phản ứng trên mạng xã hội, ông Franklin tin rằng nếu “có một nút bấm giết chết người đó (ông Trump) ngay lập tức trên Twitter”, chắc chắn mọi người sẽ sử dụng nó. Ông cũng thừa nhận bức thư sẽ không ảnh hưởng mấy đến những người ủng hộ ông Trump nhưng hài lòng vì đã tạo ra một diễn đàn tranh luận cho mọi người.
“Tôi nhận được tin nhắn từ những người nói rằng họ đang lo lắng về những điều tương tự nhưng không dám lên tiếng” – Franklin chia sẻ và cho biết thêm ông không đại diện cho tất cả người Đức phát biểu và không phải là một người ủng hộ bà Clinton. Ngoài ra, là một công dân Đức, ông thậm chí không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Mỹ.
Dù vậy, ông vẫn quyết định bày tỏ ý kiến vì ông bà mình trước đây từng “bất lực trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Đức Quốc xã”. Vì thế, ông không muốn nối tiếp “sai lầm” đó.
Bình luận (0)