Ông Emmanuel Daoud, một luật sư của hai tổ chức bảo vệ nhân quyền, giải thích vụ kiện nhằm làm sáng tỏ vai trò của các tập đoàn tin học và Internet trong việc “bắt tay” với giới chức Mỹ trong chương trình theo dõi PRISM mà Edward Snowden tiết lộ .
Theo ông Daoud, trong nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau, các tập đoàn này có thể đã để cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng máy chủ của họ để thu nhặt thông tin, dữ liệu của khách hàng các công ty này. Các tập đoàn nêu trên có thể bị buộc tội tiếp cận trái phép hệ thống xử lý dữ liệu, thu thập dữ liệu cá nhân, cố ý xâm phạm đời tư và hoạt động trao đổi điện tử.
Vụ kiện nhằm làm sáng tỏ vai trò của các tập đoàn tin học và Internet
trong chương trình theo dõi PRISM. Ảnh: The Raw Story
Trong một diễn biến khác, theo báo Anh The Guardian ngày 11-7, Microsoft đã làm việc chặt chẽ với cơ quan tình báo Mỹ để giúp họ giám sát thông tin liên lạc của người sử dụng, bao gồm cả việc cho phép NSA mã hóa email.
Một vài giờ sau khi thông tin này được công bố, Microsoft đưa ra một tuyên bố phủ nhận. “Microsoft không tiếp tay cho chính phủ truy cập trực tiếp vào SkyDrive, Outlook.com, Skype hay bất kỳ sản phẩm của công ty” – Microsoft khẳng định.
Cũng liên quan đến các chiến dịch theo dõi, thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker hôm 11-7 chính thức đệ đơn từ chức sau một loạt bê bối nghe lén của cơ quan tình báo nước này bị phát giác, đẩy chính trường Luxembourg vào tình trạng bất ổn chính trị.
Do cơ quan tình báo hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nên Quốc hội Luxembourg phải tiến hành một cuộc điều tra vào cuối năm 2012. Các báo cáo điều tra cho thấy ông Juncker đã quá tin tưởng vào các lãnh đạo tình báo.
Bình luận (0)