Hai ông Obama và Putin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại mà trước đó người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói là phần lớn thời gian sẽ bàn về vụ Snowden - người đã tiết lộ các chương trình do thám bí mật của Mỹ. Ông Carney cáo buộc Nga cung cấp cho Snowden một “diễn đàn tuyên truyền” để tung ra những lời oán trách nước Mỹ.
Một tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điện đàm Obama - Putin không cho thấy dấu hiệu nào là Nga sẵn sàng gửi Snowden trở lại Mỹ. Trong tuyên bố, 2 nhà lãnh đạo lưu ý tầm quan trọng của quan hệ song phương Mỹ - Nga và trao đổi một loạt vấn đề về an ninh và song phương, bao gồm tình trạng của Edward Snowden và sự hợp tác chống khủng bố trước thềm Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014.
Cuộc tiếp xúc cấp cao xuất hiện trong sự tranh cãi ngoại giao ầm ĩ về Snowden, người đang bị kẹt tại khu vực quá cảnh của một sân bay ở Moscow sau khi bay từ Hồng Kông đến hôm 23-6. Snowden đang tìm kiếm cơ may được tị nạn hoặc ở Nga hoặc ở 1 trong 3 quốc gia Mỹ Latin đã đồng ý đón nhận anh ta là Venezuela, Nicaragua và Bolivia.
Việc Snowden tiết lộ các chương trình nghe lén của Mỹ dẫn đến sự lo lắng của người dân nước này về hoạt động do thám nội địa và gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với một số đồng minh. Cho đến lúc này, ông Putin vẫn từ chối lời khẩn nài đưa Snowden trở lại Mỹ. Vụ việc đặt ông trước một vấn đề quốc tế nan giải khi ông chuẩn bị đón Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khác tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở St. Petersburg. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói Washington sẽ nêu ra những quan ngại trong quan hệ Mỹ - Nga nếu như Moscow chấp nhận yêu cầu tị nạn của Snowden. Tuy nhiên, theo bà Psaki, Mỹ chưa chạm đến điểm báo động đó và Nga vẫn có cơ hội hành động đúng nếu trả Snowden về cho Mỹ.
Trong một diễn biến mới nhất, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao tỏ ý bất bình khi chính phủ Nga cho phép Snowden gặp các nhóm nhân quyền tại sân bay Moscow. Hôm 12-7, Snowden nói với các nhà hoạt động rằng anh ta rất muốn được tị nạn tạm thời tại Nga và không hối tiếc gì khi tiết lộ những bí mật do thám của Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng với việc tạo “diễn đàn tuyên truyền” cho Snowden, Nga đã đi ngược lại những tuyên bố trước đây về tính trung lập của mình và cũng không tương hợp với quả quyết của Nga rằng họ không muốn Snowden gây thiệt hại hơn nữa đối với lợi ích của Mỹ, điều mà người phát ngôn của ông Putin lập lại mới đây như là điều kiện nếu Snowden muốn tị nạn.
Steven Pifer, chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, nói rằng ông có cảm giác cả Washington và Moscow đều có nhiều kinh nghiệm trong việc phân loại những vấn đề như vụ Snowden khi họ bắt những gián điệp hay kẻ phản bội, vì vậy họ có thể xử lý nó bình thường mà không phương hại đến mối quan hệ song phương.
Những ngày gần đây, các nhóm nhân quyền dồn dập lên tiếng, cho rằng chính quyền Obama đang vi phạm quyền của “người thổi còi” khi anh ta yêu cầu được tị nạn. Xem ra, đường đi của Snowden rộng hơn và không khí dễ thở hơn.
Bình luận (0)