xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cám cảnh cộng đồng LGBT ở Thái Lan

XUÂN MAI

Nada Chaiyajit không được cấp bằng tốt nghiệp đại học vì nộp một bức ảnh chụp mình mặc đầm trong khi chứng minh thư vẫn ghi giới tính là nam

Thái Lan là một đất nước nổi tiếng thế giới với các bữa tiệc đồng tính và cuộc thi sắc đẹp chuyển giới. Dù vậy, nếu ai đó đề cập điều này với các thành viên cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) ở đây, họ có thể nhận được cái cau mày không đồng tình.

Không như "quảng bá"

Thái Lan được xem là một trong những nước tiến bộ nhất châu Á về quyền LGBT và thủ đô Bangkok thường đứng đầu danh sách các điểm du lịch thân thiện với người đồng tính. Nhưng trên thực tế, các nhà hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này cho rằng cộng đồng người đồng tính không những chưa được pháp luật công nhận mà vẫn còn bị xã hội phân biệt đối xử. 

"Người nước ngoài có thể nghĩ rằng Thái Lan là một đất nước vô cùng cởi mở để các thành viên LGBT sống thật. Nhưng thực ra họ khó công khai giới tính thật vì không có sự hỗ trợ pháp lý" - nhà hoạt động chuyển giới Kath Khangpiboon cho biết.

Chính Kath cũng đối mặt sự kỳ thị. Hồi năm 2015, Kath không còn được giảng dạy tại Trường ĐH Thammasat sau khi giới tính của cô bị hội đồng nhà trường đưa ra mổ xẻ. Kath nhận được thông báo cô "không còn thích hợp" để giảng dạy tại trường đại học lâu đời thứ hai của đất nước vì hành vi không phù hợp trên mạng xã hội, ám chỉ những hình ảnh gây tranh cãi được Kath đăng tải lên tài khoản Instagram cá nhân. 

"Nhà trường chưa bao giờ thừa nhận trường hợp của tôi là phân biệt đối xử. Họ cho rằng hành vi của tôi trên mạng xã hội có vấn đề. Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến danh tính, cách xử sự tự nhiên của tôi. Đó là thành kiến" - Kath phàn nàn.

Luật pháp Thái Lan chưa làm gì nhiều để bảo vệ cộng đồng LGBT trước sự phân biệt đối xử. Hôn nhân đồng giới chưa được công nhận và người chuyển giới không thể chỉnh sửa giới tính trên chứng minh thư và các giấy tờ chính thức khác. Trong khi đó, theo Kath, cái nhìn khắt khe của xã hội khiến cộng đồng LGBT khó theo đuổi nghề luật sư, bác sĩ..., thay vào đó phải gò bó trong ngành công nghiệp giải trí. "Nhiều tổ chức hoặc công ty không chấp nhận người chuyển giới vì thành kiến và phủ nhận khả năng của họ" - cựu giảng viên Trường ĐH Thammasat cho hay.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 3 ghi nhận tình trạng phân biệt đối xử ở Thái Lan khá phổ biến khi người LGBT tìm việc, đi học, chăm sóc y tế, mua hoặc thuê nhà, tìm kiếm sự bảo vệ của pháp lý. Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế chỉ ra rằng nhiều đồng tính nam và nữ che giấu giới tính thật tại nơi làm việc, đặc biệt là giai đoạn đầu của sự nghiệp. Việc công khai hay không tùy thuộc vào văn hóa công sở và tính chất nghề nghiệp bởi một hành động như thế có thể làm tổn hại đến con đường thăng tiến.

Cám cảnh cộng đồng LGBT ở Thái Lan - Ảnh 1.

Nhóm nhạc chuyển giới Spice Gays, phiên bản Thái Lan của nhóm nhạc nữ đình đám người Anh Spice Girls Ảnh: REUTERS

Có tiến bộ nhưng chưa đủ

Một vấn đề khác là các gia đình thường không chấp nhận lựa chọn về lối sống của con cái. Không chỉ vậy, các học sinh, sinh viên LGBT đối mặt nhiều rắc rối ở nhà trường bởi giáo viên không được đào tạo để bảo vệ bọn trẻ tránh bị phân biệt đối xử.

Đây là những gì Nada Chaiyajit chịu đựng khi theo học tại Trường ĐH Phayao. Cô bị từ chối cấp bằng tốt nghiệp vì nộp một bức ảnh mình mặc đầm trong khi chứng minh thư vẫn đề giới tính là nam. "Không có khung pháp lý nhìn nhận người LGBT. Dù cho một người nào đó đã phẫu thuật chuyển giới, chứng minh thư và các giấy tờ chính thức của họ vẫn sẽ đề giới tính lúc sinh ra. Điều đó đặt ra nhiều thách thức trong cuộc sống của những người như chúng tôi" - Nada than thở.

Trong những năm gần đây, một số trường đại học cho phép sinh viên thể hiện giới tính trên giấy tờ chính thức nhưng lại yêu cầu họ đi khám tâm lý và xin giấy xác nhận... bị rối loạn về khả năng nhận dạng. Không chấp nhận đòi hỏi này, Nada nộp đơn khiếu nại nhà trường lên Ủy ban Xem xét phân biệt giới tính bất công.

Trường hợp của Nada phần nào dẫn đến hy vọng rằng thái độ đối với cộng đồng LGBT, ít nhất là trong môi trường giáo dục, đang dần thay đổi. Cả Nada và Kath đều giành phần thắng trong các vụ khiếu nại nhà trường, qua đó đặt ra tiền lệ quan trọng. Kath được nhận trở lại Trường ĐH Thammasat trong khi Nada tốt nghiệp hồi tháng 2-2017 và được phép mặc đầm trong lễ tốt nghiệp cũng như không cần có giấy xác nhận rối loạn tâm thần.

Một cuộc thăm dò ở Thái Lan năm 2015 cho thấy gần 89% người được hỏi cho biết sẽ chấp nhận đồng nghiệp là người đồng tính, 80% thấy không có vấn đề gì nếu thành viên gia đình thuộc cộng đồng LGBT và 60% ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Trong cùng năm này, Đạo luật Bình đẳng giới được thông qua ở Thái Lan, đánh dấu cột mốc quan trọng vì luật này cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính và thúc đẩy thành lập ủy ban đã giải quyết đơn khiếu nại của Nada. Thế nhưng, theo Kath, việc thực thi pháp luật vẫn tiến triển chậm.

Chính phủ Thái Lan đang thảo luận về dự luật kết hợp dân sự đồng tính, dự kiến đưa ra bỏ phiếu vào cuối năm nay. Hiện vẫn chưa rõ liệu dự luật có bao gồm các quyền cơ bản như nhận con nuôi hay không. "Thái Lan cần thời gian để tiến bộ về vấn đề này. Do vậy, việc hợp pháp hóa quan hệ kết hợp dân sự đồng tính là bước khởi đầu tốt dù vẫn chưa đủ" - Nada, người có tham gia vào quá trình soạn thảo dự luật, nhận định. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo