Phát biểu trước báo giới ngày 27-10, Chủ tịch CNRP Sam Rainsy nêu rõ các điều kiện trên gồm: Các nghị sĩ CNRP sẽ không nhận ghế trong quốc hội trước khi đàm phán được nối lại; Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) gồm 9 thành viên phải từ nhiệm; các cải cách của chính phủ phải dựa trên khuyến cáo của đại diện Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Campuchia - ông Suryu Subedi.
Hàng ngàn người ủng hộ Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) biểu tình tại Phnom Penh ngày 23-10
Ảnh: CAMBODIA DAILY
Ngoài ra, chủ tịch CNRP cũng cho rằng việc chính phủ tổ chức hội thảo về cải cách bầu cử vào tháng 12 tới là không cần thiết. Theo ông Sam Rainsy, nhiều tổ chức trong và ngoài nước - bao gồm Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Viện Dân chủ quốc gia của Mỹ cùng Ủy ban Bầu cử tự do và công bằng của Campuchia - đã đề xuất vô số giải pháp cải cách bầu cử để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Đáp lại, người phát ngôn CPP Cheam Yeap cùng ngày tái khẳng định CPP sẽ không đàm phán với CNRP cho đến khi nào 55 nghị sĩ CNRP chưa vào Hoàng cung tuyên thệ nhậm chức. “Chúng tôi không cần cúi đầu trước kẻ bại trận. Có đàm phán hay không thì chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc” - ông Cheam Yeap cứng rắn.
Sau các vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 16 và 17-9, giới chức CPP và CNRP nhất trí cải cách hệ thống bầu cử nhưng chưa có cải cách đặc biệt nào được đề ra.
Đảng CNRP vừa kết thúc 3 ngày biểu tình vào hôm 25-10 trong hòa bình. Cùng ngày, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen thông qua dự thảo ngân sách năm 2014 trị giá 3,5 tỉ USD, tăng 13,1% so với năm ngoái. Dự thảo đã được trình lên quốc hội để bỏ phiếu thông qua bất chấp 55 nghị sĩ CNRP có nhận ghế hay không.
Bình luận (0)