Báo The Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan cho biết: “Tôi nghĩ những ai cảm thấy Campuchia là một lựa chọn cho chính phủ lưu vong của Thái Lan thì thực chất không hề khả thi. Trước hết là vì Hiến pháp của chúng tôi; thứ hai vì chúng tôi có một thể chế khu vực cũng như thể chế quốc tế toàn diện”.
Tuyên bố của ông Phay Siphan nhắm vào loan báo của ông Robert Amsterdam, cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, về đề nghị “xem xét một cách nghiêm túc” về việc thành lập “Chính phủ lưu vong”. Kế hoạch về chính phủ lưu vong được ông Amsterdam tung ra sau khi Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha trỗi dậy hồi tuần trước. Khi The Phnom Penh Post trao đổi với ông Amsterdam, vị cố vấn pháp lý này từ chối xác nhận liệu đã liên lạc với chính phủ Campuchia về đề nghị chính phủ lưu vong hay chưa.
“Chúng tôi không nói gì nhiều hơn thực tế là chúng tôi đang tích cực xem xét việc này. Chúng tôi cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Tình hình ở Thái Lan rất nóng bỏng nhưng chúng tôi chỉ đang chuẩn bị. Do đó, tôi sẽ không bàn đến bất cứ điều gì về địa điểm vì điều đó chẳng hợp tình hợp cảnh vào lúc này” - ông Amsterdam cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông Amsterdam nói thêm: “Theo luật pháp quốc tế, chúng tôi cần một đại diện của chính phủ trước đây... Tuy nhiên, ông Thaksin Shinawatra tiếp tục là một lực lượng chính trị quan trọng ở Thái Lan”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên trang mạng xã hội Facebook: “Chúng tôi không thể cho phép một chính phủ như vậy trên đất của chúng tôi”. Về phía Tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu Hội đồng gìn giữ hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO), hôm 26-5 khẳng định Hội đồng không có tham vọng quyền lực nhưng phải kiểm soát đối với hoạt động hành chính để dẫn dắt đất nước tiến về phía trước.
Bình luận (0)